Từ việc ông Đỗ Anh Dũng bị bắt – Bài 1: Điểm tên những lùm xùm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh

06/04/2022 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tập đoàn Tân Hoàng Minh – một “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam, từng nổi tiếng với loạt dự án nghìn tỷ nằm ở nhiều vị trí đắc địa. Song, tập đoàn này cũng dính không ít lùm xùm liên quan đến hàng loạt các dự án.

Hủy kết quả đấu giá “đất vàng”

Đi cùng với tên tuổi, thời gian qua, tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng dính nhiều lùm xùm tai tiếng. Cụ thể như cuối năm 2021, thị trường bất động sản choáng váng trước thông tin ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch HĐQT Tân Hoàng Minh, gửi tâm thư xin tự nguyện đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản 4 lô đất (cùng mang ký hiệu 3-12), có diện tích 10.060m2 với giá 24.500 tỷ đồng (tương đương giá 2,45 tỷ đồng/m2) ở khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) do Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) sở hữu.

Đây có thể xem là mức giá kỷ lục cho một mét vuông đất tại Việt Nam hiện nay và từ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất này, Tân Hoàng Minh – đơn vị vi phạm hợp đồng, đã bị phạt số tiền gần 600 tỉ đồng theo chế tài quy định.

4 lô “đất vàng” diện tích 10.060m2 ở khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM).

Trong tâm thư, Chủ tịch HĐQT Tân Hoàng Minh chia sẻ: “Sau khi trúng đấu giá với giá cao, chúng tôi đã suy nghĩ và lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội theo nhiều chiều khác nhau và thấy rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy có thể dẫn đến hệ luỵ không tốt. Chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc trúng đấu giá với kết quả trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung”.

Phân tích thêm về việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc một m2 đất ở Thủ Thiêm có giá 2,4 tỷ đồng, trong khi hạ tầng chưa đồng bộ so với khu vực quận 1 là “bất thường”. Theo đó, kết quả đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho hay, kết quả trúng đấu giá 4 lô “đất vàng” ở Thủ Thiêm với mức giá quá cao so với giá trị thực tại thời điểm hiện tại đang gây bất lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản. Nó có thể tác động tiêu cực lan tỏa đến tất cả phân khúc thị trường bất động sản theo hiệu ứng “bình thông nhau”, gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà ở thương mại.

Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã từng dính tai tiếng liên quan đến việc bỏ cọc. Cụ thể như vào tháng 6/2015, Tân Hoàng Minh từng trúng thầu khu “đất vàng” 3.000m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM với mức giá cao nhất 1.430 tỉ đồng (cao gấp 2,6 lần giá khởi điểm) rồi sau đó đề nghị huỷ kết quả.

Đến tháng 6/2016, doanh nghiệp này lại đề nghị được tiếp tục mua lô đất trên xây dựng khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ, quý 3/2017 sẽ khởi công. Tuy nhiên, sau đó việc khởi công không được thực hiện. Đến năm 2019, mảnh đất này đã được chuyển nhượng cho Techcombank.

Huy động hàng nghìn tỷ đồng thông qua trái phiếu

Hàng nghìn tỷ đồng được các công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh huy động qua các đợt phát hành trái phiếu với lãi suất lên tới 12%/năm cho các dự án bất động sản. Tuy nhiên, các đợt phát hành này vừa bị Ủy ban Chứng khoán hủy, lập tức tác động lên thị trường tài chính cũng như bất động sản, khiến nhà đầu tư lo lắng.

Đầu tháng 12/2021, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội ghi nhận nhóm công ty liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh đẩy mạnh huy động vốn từ kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Một trong số đó là CTCP Cung Điện Mùa Đông, đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh, đã huy động 450 tỷ đồng thông qua 2 lô trái phiếu. Để làm điều này, nhiều tài sản đã được sử dụng để đảm bảo cho 2 lô trái phiếu trên. Trong đó có quyền sử dụng đất của Hoàng Hải Phú Quốc thuộc dự án Hoàng Hải Complex.

Trái phiếu còn được đảm bảo bằng 10 triệu cổ phần Cung Điện Mùa Đông với mệnh giá 27.163 đồng/cổ phiếu thuộc sở hữu của bà Vũ Mỹ Linh. Bên bảo lãnh thanh toán là Tân Hoàng Minh Group.

Năm 2021, Công ty CP Đầu tư & Dịch vụ Khách sạn Soleil cũng huy động lô trái phiếu 800 tỷ đồng vào tháng 7, lô 450 tỷ đồng vào tháng 8, và lô 500 tỷ đồng vào đầu tháng 11. Mục đích đợt huy động này được cho là để hợp tác kinh doanh tại dự án Hoàng Hải Complex. Bên bảo lãnh thanh toán vẫn là Tân Hoàng Minh Group.

Bên cạnh đó, một đơn vị nữa là công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt cũng từng huy động thành công các lô trái phiếu với tổng giá trị lên đến 2.700 tỷ đồng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thống kê từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, 3 công ty thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh gồm Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung Điện Mùa Đông, Công ty Soleil đã thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Đến ngày 4/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu này.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định hủy bỏ 09 đợt chào bán trái phiếu với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của các 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Các bộ, ngành liên quan lên tiếng

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, bộ đã giao Vụ Tài chính ngân hàng soạn thảo văn bản báo cáo Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hướng các điều kiện chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn với nhà phát hành trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu riêng lẻ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trước đây, Bộ Xây dựng từng lên tiếng cảnh báo nhiều lần liên quan phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Thời điểm đó, nguồn vốn triển khai các dự án BĐS khi ngân hàng siết hạn mức ít nên nhiều doanh nghiệp huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao đã gây ra nhiều rủi ro với nhà đầu tư. “Thời điểm đó, các quy định còn thoáng nên doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu”, ông Sinh nói.

Ông Sinh cho biết thêm, đa số việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu là để làm bất động sản. Hiện, nguồn vốn này bị siết, doanh nghiệp sẽ không có vốn triển khai tiếp và việc này sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Theo ông Sinh, tỷ lệ dự án Tân Hoàng Minh triển khai không nhiều và phân khúc là cao cấp nên ảnh hưởng đến thị trường không nhiều. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và các địa phương.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI phân tích: Theo quy định tại khoản 3, Điều 28, Luật Chứng khoán, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày đợt chào bán chứng khoán ra công chúng bị hủy bỏ, tổ chức phát hành phải công bố việc hủy bỏ trên 1 tờ báo điện tử hoặc báo in trong 3 số liên tiếp, và phải thu hồi chứng khoán đã phát hành, đồng thời hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư.

Giang Anh

Bài liên quan
  • Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam
    Moitruong.net.vn – Ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ việc ông Đỗ Anh Dũng bị bắt – Bài 1: Điểm tên những lùm xùm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh