UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Quyết định số 192/QĐ-UBND công bố hiện trạng rừng toàn tỉnh năm 2021.
Tính đến ngày 31/12/2021, diện tích đất có rừng là 333.519,97 ha. Trong đó, diện tích có rừng 261.499,28 ha, bao gồm rừng tự nhiên 106.771,81 ha; rừng trồng 154.727,47 ha.
Diện tích chưa thành rừng 99.824,34 ha, bao gồm diện tích rừng trồng chưa đủ tiêu chí thành rừng 72.020,69 ha; diện tích khoanh nuôi 12.873,55 ha; diện tích khác 14.930 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 50,72% (không tính cây trồng phân tán).
Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh Quảng Ngãi đạt 50,72%
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục theo dõi diễn biến rừng hàng năm; thực hiện việc quản lý, khai thác, sử dụng và lưu trữ hồ sơ, cơ sở dữ liệu diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh theo quy định; cung cấp số liệu, bản đồ về hiện trạng tài nguyên rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp cho các sở, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan để sử dụng vào việc phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thống kê tỉnh và các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thống nhất giữa kết quả thống kê, kiểm kê đất đai với kết quả theo dõi diễn biến rừng hàng năm.
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của Luật Lâm nghiệp; tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và sử dụng đất quy hoạch lâm nghiệp theo quy định; sử dụng số liệu hiện trạng rừng để thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, các Chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm và cập nhật diễn biến rừng năm tiếp theo đúng quy định.
Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, công tác theo dõi diễn biến rừng trong thời gian qua được Chi cục Kiểm lâm quan tâm chỉ đạo, đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh, Sở NN và PTNT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, với nguồn lực đầu tư hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả theo dõi diễn biến rừng hàng năm, vì vậy việc đầu tư hiện đại hóa nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong giám sát tài nguyên rừng trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết.
Vũ Thành