Ứng phó với nguy cơ cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão

Mai An (t/h)|28/05/2020 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý cây xanh đô thị; khắc phục tình trạng cây gãy, đổ; rà soát số lượng cây bóng mát gây nguy hiểm, có nguy cơ không an toàn.

Tình hình thời tiết thủy văn năm nay sẽ có diễn biến khó lường, trong đó đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, nắng nóng gay gắt, bão mạnh, lũ lớn, lũ muộn… gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của nhân dân.

Chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai

Chiều 26/5, tại buổi họp Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, thông tin về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên toàn địa bàn thành phố, nhất là mùa mưa lũ năm 2020 đang đến gần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định diễn biến thiên tai 5 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều đặc điểm phức tạp.

Bảo đảm việc thoát nước mùa mưa.

Đặc biệt, tình hình thời tiết thủy văn năm nay sẽ có diễn biến khó lường, trong đó đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, nắng nóng gay gắt, bão mạnh, lũ lớn, lũ muộn… gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của nhân dân.

Trước tình hình đó, cùng với các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão năm 2020.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và các công ty thủy lợi tiến hành kiểm tra các hồ đập trên địa bàn thành phố; đồng thời rà soát quy trình tích nước và vận hành, những hư hỏng, sự cố được đầu tư tu sửa nhằm bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trong mùa lũ năm 2020.

Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã lập báo cáo hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2020. Trên cơ sở đó, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội xác định được 4 trọng điểm, 12 điểm xung yếu, từ đó xây dựng phương án hộ đê, phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội năm 2020.

Chi cục cũng thực hiện công tác kiểm kê, đánh giá chất lượng, số lượng vật tư dự trữ phòng, chống lụt bão của thành phố và bổ sung đủ số lượng, chủng loại theo quy định.

Đáng chú ý, các Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải, Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội… đã chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2020.

Đặc biệt, để ứng phó bão mạnh, lốc tố làm gãy, đổ hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão, Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, duy tu, duy trì cây xanh chủ động huy động lực lượng, phương tiện thực hiện giải tỏa trực 24/24 giờ ngay khi nhận được thông tin cây gãy, đổ do mưa bão, trong đó ưu tiên xử lý các cây đổ ra đường gây cản trở giao thông các tuyến trọng điểm, trục đường chính.

Sở Xây dựng Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức ứng trực 100% quân số, phương tiện khi có mưa, bão lớn, sẵn sàng tiếp nhận thông tin, giải tỏa ngay cây gãy, đổ, đồng thời thu dọn các cây đổ, cắt cây, cành, đánh gốc, san lấp… bảo đảm giao thông lưu thông được nhanh nhất và trồng cây thay thế sau 10 ngày.

Ngoài ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội cũng triển khai kế hoạch khơi thông cống rãnh, nạo vét các tuyến mương, kênh dẫn, cống ngầm, cống ngang giúp tăng cường khả năng tiêu thoát úng và xây dựng kế hoạch tiêu cục bộ ở những điểm thường xuyên úng ngập; sẵn sàng triển khai lực lượng ứng trực, mở nắp ga, khơi thông hố ga thu nước, cảnh giới và hướng dẫn phương tiện giao thông tránh các điểm úng ngập.

Các doanh nghiệp thủy lợi tập trung tu sửa máy móc, thiết bị sẵn sàng vận hành 100% các trạm bơm tiêu úng và đầu tư tu sửa các công trình thủy lợi nội đồng, tăng cường khả năng tiêu thoát ra các sông.

TP.HCM kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý cây xanh đô thị

Cùng với đó, tại TP. HCM, đặc biệt trước vụ việc cây bật gốc khiến một học sinh lớp 6 tử vong và nhiều em bị thương trong sáng 26/5 đã khiến yêu cầu triển khai các giải pháp ứng phó với nguy cơ cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa càng trở nên cấp bách.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, ước tính lượng mưa trong 10 ngày qua tại các quận trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đạt trung bình khoảng 40mm; khu vực phía Đông thành phố khoảng 30mm; khu vực phía Nam thành phố có lượng mưa cao nhất, khoảng 50-60mm.

Các cơn mưa thường kèm theo lốc xoáy, gió giật khiến nguy cơ làm gãy, đổ cây xanh ven đường là rất cao.

Cây phượng bật gốc đổ trong sân trường.

Nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do sự cố cây xanh gây ra trong mùa mưa bão, từ đầu tháng 5/2020, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành, quận huyện về triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với mưa dông, lốc xoáy, gió giật và cây xanh ngã đổ trên địa bàn thành phố.

Thường trực Ban Chỉ huy yêu cầu Sở Xây dựng và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý cây xanh đô thị; khắc phục tình trạng cây gãy, đổ; đôn đốc, giám sát các đơn vị quản lý cây xanh đô thị rà soát số lượng cây bóng mát gây nguy hiểm, có nguy cơ không an toàn.

Các đơn vị kiểm soát việc thực hiện quy trình cắt tỉa cây xanh; tổ chức xây dựng phương án ứng phó đảm bảo an toàn cây xanh trong mùa mưa bão, trong đó chú trọng đặc biệt đến những cây có hệ rễ bị xâm hại do việc thi công các công trình nâng cấp vỉa hè, cấp thoát nước… tại những tuyến đường tập trung nhiều phương tiện tham gia giao thông.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, Sở sẽ yêu cầu các đơn vị quản lý cây xanh cắt tỉa cây xanh theo đúng quy trình kỹ thuật để cây không bị nghiêng ngã, đổ khi có gió lớn; tăng cường kiểm tra, rà soát những cây xanh gây nguy hiểm, xử lý kịp thời các cây có nguy cơ gây mất an toàn mùa mưa bão.

Các đơn vị chức năng cần tổ chức ứng trực, xử lý kịp thời các trường hợp cây đổ, cành gãy; báo cáo số lượng, chủng loại cây bóng mát đang quản lý, lên kế hoạch thực hiện trồng mới, thay thế cây xanh và gửi về cơ quan quản lý theo phân cấp; báo cáo các sự cố cây xanh, các thiệt hại về người và tài sản xảy ra.

Mai An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó với nguy cơ cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão