Hiện nay, các giếng khoan, giếng đào ở các địa phương của tỉnh đều rơi vào tình trạng cạn nước, nhiều nơi khô cạn hoặc bị nhiễm mặn.
Bà Mang Thị Hiển, thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Tân phấn khởi cho biết, từ hôm Tết một số giếng trong xóm do Nhà nước đào thì còn. Nhưng đến bây giờ thì dần dần khô hết, giếng nào cũng khô hết, từ giếng cá nhân cho đến giếng nhà nước đào. Bà con phải tích góp tiền mua nước để dùng, cứ một téc nước (1m3) là 100.000 đồng. Bữa nay, nghe tin có bộ đội chở nước tới, nhà nào cũng mang vật dụng đựng nước tới điểm cấp nước để chở nước về dùng, không còn phải đi mua nước nữa, bà con vui lắm.
Tại huyện Hàm Tân, mực nước ngầm bắt đầu thiếu hụt, các giếng đào, giếng khoan đang dần bị khô cạn. Trên địa bàn huyện, hiện có sáu công trình cấp nước sinh hoạt do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận quản lý khai thác với tổng công suất thiết kế 3.965 m3/ngày đêm, cung cấp cho 8.501 hộ dân với 38.255 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 44,7% số hộ trong toàn huyện, còn lại số hộ dân khu vực nông thôn sử dụng nước sinh hoạt từ giếng đào, giếng khoan.
Tuy nhiên, nguồn nước tại các công trình thủy lợi cũng đã hụt sâu, một số công trình cấp nước thiếu hụt nguồn cấp nước nghiêm trọng, một số nhà máy nước đã phải hoạt động cấp nước luân phiên theo giờ cho người dân, có nhà máy đã phải ngừng hoạt động, dẫn tới nhiều khu vực nông thôn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Bình Thuận cạn kiệt nguồn nước
Theo báo cáo của UBND huyện Hàm Tân, đến thời điểm này, toàn huyện có 1.848hộ/7.321 khẩu đang bị thiếu nước sinh hoạt, phải đi mua nước sinh hoạt, trong đó có 396hộ/1.311 khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số của 5 xã/10 xã, thị trấn thiếu nước sinh hoạt. Một số khu vực người dân đã phải đi mua nước sinh hoạt, nhất là khu vực xã Sơn Mỹ; thôn 4, thôn 5 xã Tân Phúc với giá 100.000 đồng/m3. Còn để dùng nấu ăn, nhiều hộ phải mua nước đóng bình (loại 20 lít) với giá từ 8-10 nghìn đồng/bình/ngày.
Ngày 25/5, Bộ NNPTNT làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận để nắm bắt tình hình hạn hán ở địa phương nhằm tìm các giải pháp ứng phó.
UBND tỉnh Bình Thuận thông tin, hiện lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy lợi trên toàn tỉnh chỉ còn khoảng trên 11 triệu m3, đạt khoảng 4,3% dung tích thiết kế. Lượng nước tại hồ thủy điện Đại Ninh cũng chỉ còn trên 12 triệu m3 (đạt 4,82% dung tích thiết kế), hồ thủy điện Hàm Thuận còn 103 triệu m3 (chỉ đạt 19,73% dung tích thiết kế). Đối với nguồn nước tự nhiên, do tình hình khô hạn kéo dài nên các sông, suối đều đã cạn kiệt, mực nước ngầm cũng suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay, các giếng khoan, giếng đào ở các địa phương của tỉnh đều rơi vào tình trạng cạn nước, nhiều nơi khô cạn hoặc bị nhiễm mặn.
UBND tỉnh Bình Thuận nhận định, tỉnh đang đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt nhất trong suốt 10 năm qua ở địa phương và khiến tình trạng hạn hán càng trở nên nghiêm trọng. Tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt tại các huyện như Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và cả TP Phan Thiết đều bị ảnh hưởng. Trong vụ Đông Xuân 2019-2020, Bình Thuận phải cắt giảm gần 14 nghìn ha diện tích lúa, bắp và vụ Hè Thu năm nay chỉ trồng ở khu vực đồng bằng La Ngà thuộc khu tưới của đập dâng Tà Pao. Hiện nay, còn khoảng 30 nghìn ha lúa đang phải chờ mưa, chưa thể sản xuất theo kế hoạch do thiếu nguồn nước. Ngoài ra, hàng chục nghìn ha cây trồng khác bị thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất.
Về nước sinh hoạt, toàn tỉnh có 43 xã, phường, thị trấn bị thiếu cục bộ với khoảng trên 27 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Nhiều nơi của tỉnh, người dân phải mua nước để phục vụ các nhu cầu cấp thiết trong sinh hoạt với giá giao động từ 60.000 đồng-120.00 đồng/m3.
Xe bồn chở nước tới một điểm cấp nước ở xã Tân Phúc để bà con đến lấy nước về dùng.
Để ứng phó tình hình hạn hán, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh Bình Thuận tiếp tục thực hiện các giải pháp về tích trữ nguồn nước. Trong đó chú trọng tới thời gian hoàn thiện các công trình thủy lợi đang thực hiện để đến năm 2022 địa phương cơ bản chủ động được nguồn nước tưới. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng gợi mở các giải pháp thúc đẩy sản xuất phù hợp với tình hình như tính toán tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi hợp lý cơ cấu cây trồng, cây chịu hạn để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Trác Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân cho biết, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo từ ngày 27-4-2020, Ban quản lý công trình Công cộng huyện dùng xe bồn chở nước từ Nhà máy nước Tân Minh về cung cấp miễn phí cho 300 hộ dân khu vực thôn 4, thôn 5 xã Tân Phúc bốn chuyến/tuần, một thôn/2 chuyến/tuần. Đây là hai thôn chưa có hệ thống nước sinh hoạt mà nguồn nước tại các giếng khoan, giếng đào đã cạn kiệt, người dân phải đi mua nước. Xe bồn sẽ cung cấp nước cho các điểm: Hội trường thôn 4, điểm trường mẫu giáo xã Tân Phúc, trường tiểu học Tân Phúc. Những điểm này đã có sẵn bồn chứa nước chống hạn bằng inox được hỗ trợ từ năm 2016. Xe bồn chở nước của Ban quản lý Công trình công trình Công cộng tiếp nước vào các bồn để người dân đến lấy và sử dụng.
Hà Linh (T/h)