Trong thông cáo ngày 21/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã rất tích cực, chủ động đàm phán, đẩy nhanh quá trình công nhận lẫn nhau hộ chiếu vắc xin với các quốc gia/vùng lãnh thổ.
Ảnh minh họa
Tính đến ngày 17/3, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 17 quốc gia, bao gồm: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nhật Bản, Australia, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa Philippines, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Maldives, Nhà nước Palestine, Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Arab Ai Cập, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa dân chủ Sri Lanka, New Zealand, Cộng hòa Singapore, Cộng hòa Saint Lucia và Hàn Quốc.
“Người mang hộ chiếu vaccine của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại”, Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định và nêu rõ thêm, việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.
Bên cạnh đó, đến nay, Việt Nam vẫn đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm vaccine của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.
Hộ chiếu vắc xin được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 hoặc/và giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19.
Hộ chiếu vắc xin được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh của cá nhân, không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực…
Hộ chiếu vắc xin nước ngoài được coi là hợp lệ và được sử dụng trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam nếu được công nhận chính thức hoặc tạm thời bởi Chính phủ Việt Nam.
Danh sách hộ chiếu vắc xin được công nhận được đăng tải trên trang thông tin của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Hoàng Anh