(Moitruong.net.vn) – Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp nhập khẩu hơn một triệu tấn sắt thép phế liệu, tăng 45% so với cùng kỳ.
Việt Nam nhập hơn 11.000 tấn sắt thép phế liệu mỗi ngày
Hiện nhập khẩu sắt thép phế liệu làm nguyên liệu đầu vào của một số nhà máy thép trong nước vẫn chiếm khối lượng không nhỏ bởi chi phí rẻ hơn so với mua phôi để luyện thép. Tuy nhiên, bởi lý do môi trường nên mặt hàng này thuộc diện kiểm soát ngặt nghèo với nhiều quy định và thuộc danh mục hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu.
Theo một chuyên gia trong ngành, sở dĩ có hiện tượng sắt thép phế liệu nhập khẩu ồ ạt là nhiều nhà máy luyện sắt thép trong nước sử dụng công nghệ cũ vẫn sử dụng sắt thép phế liệu như thành phần chính để luyện gang, thép.
Đây là quá trình giúp tiết kiệm chi phí so với sản xuất thép từ quá trình luyện cốc và từ phôi thép đi lên. Tuy nhiên, chỉ từ 60 -70% phế liệu cho ra sản phẩm sắt thép, còn lại là tạp phẩm được loại bỏ trong quá trình sản xuất.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, sắt thép phế liệu nhập khẩu có nhiều loại, nếu là thép xây dựng được loại bỏ từ các công trình sẽ được tận dụng tối đa để luyện gang, thép. Tuy nhiên, nếu là sắt thép phế liệu ở dạng cấu kiện như: máy móc, thiết bị, linh kiện, vi mạch, hoặc tàu thuyền, dây chuyền… phải qua quá trình tháo dỡ từng linh phụ kiện mới đưa vào sản xuất sắt thép được. Điều này cũng khiến mất thêm chi phí, lưu kho bãi và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Trong quy định của Bộ Tài Nguyên & Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu (bao gồm sắt thép phế liệu), các doanh nghiệp phải ký quỹ tới 20% giá trị lô hàng để đảm bảo mặt hàng nhập khẩu nếu xảy ra tác động đến môi trường sẽ lấy kinh phí xử lý và ứng phó. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chí có nhà xưởng, kho bãi chuyên dụng, có mái che, xử lý thoát nước… mới được nhập khẩu.
Thanh Tùng