Hôm nay đã là chiều 30 Tết. Vậy mà cái dãy nhà trọ hủ tíu gõ “Quãng Ngãi” lọt thỏm giữa xóm “Cây Da Sà” nầy vẫn như mọi ngày. Vẫn tất bật sửa soạn bàn nghề ; chiếc xe đẩy chất lỉnh kỉnh nồi nước “lèo” cùng mấy chồng tô, chén, muỗng, đũa…để “hành nghề” như những ngày bình thường khác.
>>> Thái Lan chống ô nhiễm phun nước lên trời
>>> Không khí lạnh sắp tăng cường xuống miền Bắc
Xóm hủ tíu gõ đón Xuân
Những căn phòng trọ ọp ẹp đã lục tục đóng cửa kèm theo những đôi mắt buồn buồn xa vắng. Phía sau những chiếc xe đang nặng nề lăn bánh là những đứa trẻ năm nay đón tết tha hương. Gió từ mé sông bỗng rít lên phần phật như muốn chia xẻ nỗi cô đơn của những người xa xứ trong giờ khắc giao thừa.
– Năm nay ông gởi về ngoài ấy bao nhiêu ăn Tết? Tiếng Ba Roanh hỏi nhỏ.
– Sáu triệu. Năm nay làm ăn khó quá nên gởi về tàm tạm. Ăn tết tiết kiệm. Còn anh?
– Cũng cở ấy. Năm nay tui tính về thăm nhà một chuyến. Gần mười năm rồi chớ ít ỏi gì đâu. Vậy mà tích cóp dành dụm gần chết thì vợ tôi lâm bệnh. Mình là dân tứ cố vô thân đâu có bảo hiểm y tế gì đâu. Vậy là sạch bách. Giờ làm lại từ đầu. Mấy tháng nay tui “hiu” quá. Bệnh mà có dám đi khám bệnh viện đâu, chỉ xin thuốc nam ở chùa uống cầm cự, tới đâu hay đó. Dành dụm để gởi về cho ngoài ấy ăn tết. Hai Thu trả lời giọng rất buồn.
– Ba. Chừng nào mình mới về thăm nội, ngoại hả ba? Tiếng con Thắm, con Hai Thu hỏi nhỏ.
– Đừng buồn. Năm sau nhà mình sẽ về thôi con. Hai Thu an ủi con khi nhìn thấy con nhỏ chực khóc với đôi mắt đỏ hoe. Anh hiểu con bé đang tức tưởi trong giờ phút giao thừa vì quá cô đơn không có người thân. Mà nói cho cùng. Xung quanh xóm trọ nầy cũng có mấy đứa nhỏ đồng hương “Quãng Ngãi” nhưng chơi với nhau hoài cũng chán. Mấy đứa nhỏ nhà giàu xung quanh có thèm chơi với chúng đâu. Nhớ cái đêm trung thu, chúng nó chơi những loại lồng đèn đắt tiền nghe đâu cả triệu đồng với cái nét mặt vênh vênh, váo váo trên những khoãng ban công nhà cao tầng. Còn lũ nhỏ xóm hủ tíu gõ “Quãng Ngãi” thì chỉ chơi những chiếc lồng đèn giấy, lồng đèn ngôi sao rẽ tiền do phường đem tặng. Vậy mà chúng mừng hết lớn, ca hát rùm beng với nét mặt phấn khích vô chừng. Nghèo thì chịu thôi. Có lẽ chúng cũng biết thân phận nên cũng chẳng dám đòi hỏi người lớn mua sắm gì thêm.
– Tối nay sau giao thừa, anh em mình “ăn tết” muộn một chút nghe. Buồn và nhớ quê quá chừng. Hai Thu nói ngập ngừng.
– Ừ. Vậy đi. Giày dép còn có số huống chi là người ta. Nghèo. Tủi thân nhưng còn có cái để gởi về quê đón tết. Chứ ở ngoài đó có mà chết đói bởi mình có ruộng đất gì đâu mà sống. Đất miền Trung khô cằn sỏi đá. Khổ lắm, về thì có nước ôm nhau mà chết. Sáu Lê chen vô.
– Rồi mấy ngày tết ông có bán không?
– Bán. Mình nghèo thì phải “cày” thôi. Mấy ngày tết chịu khó một chút nhưng bù lại kiếm lãi khá lắm. Một ngày tết bằng ba ngày thường mà. Vã lại…
– Vã lại sao?
– Vã lại ở không thì buồn tủi và nhớ quê lắm. Đi bán để khuây khỏa.
– Đúng vậy. Mình có người thân ở đây đâu mà chúc tết, chúc tụng. Mà mình nghèo có ai quan tâm, tin tưởng mình đâu. Cũng phải thôi. Mình nghèo nên người ta cảnh giác là chuyện tất nhiên. Hai Thu nói với giọng thật buồn.
Những chuyến xe hủ tíu lạch cạch tiến dần ra đầu hẻm. Những đôi mắt vô hồn cứ đăm đăm nhìn ra phía trước như để tránh né cảnh tượng hạnh phúc quây quần trong các ngôi nhà sang trọng hai bên; tránh né những mâm cúng kiến ông bà, gia tiên đang tỏa hương thơm ngào ngạt. Những chuyến xe lặng thầm cứ lặng lẽ nối đuôi nhau đi qua con hẻm trong tiếng nấc của mấy đứa nhỏ lẽo đẽo theo sau.
Những con đường thành phố đã rực rỡ đèn hoa. Mới sáu giờ chiều mà phố xá Sài Gòn đông nghẹt người và xe xuôi ngược. Những chiếc xe hon đa đời mới phóng vèo vèo kèm theo tiếng kèn inh ỏi. Đằng sau tay lái là những cái đầu vàng, vàng, đỏ, tím…mặt mày đỏ lơ, đỏ lững vì bia rượu. Phía sau chúng là những thiếu nữ ăn mặc cũn cỡn, cười nói ỏm tỏi trong hơi men sặc sụa. Chúng nói cười uyên thuyên rồi rồ ga chạy mất. Cái ngã tư bữa nay vắng tanh người bán.
Ông Hai “vá xe” về quê nghe đâu tận Năm Căn, Cà Mau hôm hăm tám tết. Năm nào cũng vậy, ông già nầy rất đúng hẹn với quê hương, bà con chòm xóm. Rồi mùng tám tết mới thấy “ổng” lên với lỉnh kỉnh gà, vịt, rượu đế, bánh tét, khô cá Hố, cá Kèo.
Bà Tư bánh khọt nấn ná tới hăm chín tết mới dọn đồ về quê ăn tết với xấp nhỏ tận Trà Vinh. Trước khi đi, bà nầy đi ngang qua xóm hủ tíu “Quãng Ngãi” chào tạm biệt với lời dặn:
– Tụi bây ở lại Sài Gòn ăn tết vui vẻ nghe. Có nhậu thì cũng chút đỉnh thôi. Uống rượu bia nhiều hổng nên vừa “bịnh” lại vừa tốn tiền. Ráng tằn tiện để dành gởi “dìa” ngoải cho con cháu nó mừng. Nè “Qưỡn quỡn” nhớ dòm ngó nhà trọ dùm tao. Lúc nầy tụi “xì ke, ma túy” lộng hành lắm. Lớ quớ là nó “nhâp nha” thì tiêu. Chừng nào lên tao đãi cho một chầu mứt dừa, ba khía xào khóm”.
Sài Gòn đêm ba mươi đông nghẹt người đi lại. Tiếng nhạc đì đùng vọng ra nghe chói lói từ các vũ trường, quán ăn, quán nhậu nghe điếc cả tai. Những chiếc xe chuyên dụng của công an tuần tra liên tục để điều tiết gia thông. Tiếng còi cứ ré lên the thé để cảnh báo người vi phạm. Những chiếc áo vàng của lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt ở các ngã ba, ngã tư xuống cả các giao lộ trong sự nóng bức của Sài Gòn dù những làn gió tết cứ ào ào tràn ngập phố phường.
Những chiếc xe hủ tíu gõ đông kín người ăn. Không còn chỗ để ngồi. Người ta phải mua mang đi nơi khác để ăn. Vợ chồng Hai Thu làm việc liên tục. Con Thắm vẫn ngồi khóc tấm tức sau chiếc xe hủ tíu gõ của ba mẹ nó. Nó nhớ bạn bè, nhớ đêm giao thừa năm trước được vui chơi với đám bạn cùng trang lứa; được ra sân đình làng xem hát, múa lân, được ông bà lì xì ngày tết; được đi chơi thỏa thích trong những ngày tết thiệt vui, thiệt ấm cúng dù vắng bóng ba mẹ nó do bận mưu sinh ở tận Sài Gòn. Năm nay thấy nó bệnh hoài nên ba mẹ nó mang nó vào Nam để tiện chăm sóc với lời hứa sẽ cho nó về quê đón tết. Vậy mà…Giao thừa đã gần kề. Người người xen nhau qua lại mà nó có thấy ai quen biết đâu. Nó cô đơn quá, nhớ quê nhiều quá. Vậy là nó bật khóc vì tủi thân.
Những trái pháo bông cuối cùng đã dần tàn trên bầu trời cao. Dòng người và xe lại chen chúc nhau để trở về nhà. Tiếng hò reo phấn khích đã nhỏ dần. Vợ chồng Hai Thu lủi thủi đẩy xe hủ tíu “gõ” đi vào hẻm nhỏ. Nhà nhà đã đóng cửa để chuẩn bị cho một ngày tốt đẹp nhất đầu năm – ngày Hoàng Đạo – mùng một tết. Phía sau xe Hai Thu cũng đã bắt đầu xuất hiện những chiếc xe hủ tíu “đồng hương”. Tất cả đều im lặng. Một sự im lặng buồn buồn, tủi tủi rất lạ thường. Chỉ còn nghe tiếng những bánh xe lăn đều đều trên con hẻm nhỏ.
– Ủa. Ai mà đứng ngay trước cửa phòng trọ của mình đông vậy kìa. Hai Thu chợt chột dạ. Hay là bọn trộm đã vào nhà. Mà nếu có vào cũng chẳng có gì để lấy. Tiền dành dụm đã gởi hết về quê rồi. Hai Thu tự trấn an. Mà đâu chỉ có phòng mình, các phòng trọ khác cũng lố nhố người, lạ có, quen cũng có. Đây đại úy trưởng khu vực “Cây Da Sà”; ông hai Tổ trưởng Dân phố; chị Sáu phụ nữ…mà họ tới đây làm gì trong đầu năm mới ?
– Mấy chú, mấy anh chị tìm tui hả ? Có chuyện gì vậy ? Tui hồi hộp đánh lô tô trong bụng quá trời.
– Trời đất. Có chuyện gì mà lo lắng quá vậy. Tụi tui tới chúc tết xóm hủ tíu “gõ” mà. Hổng về ngoài đó chắc mấy anh, mấy chị buồn lắm phải hôn? Ai xa quê trong đêm giao thừa mà hổng buồn chớ.
– Dạ…dạ….Hai Thu ấp úng.
– Ngoài chuyện tới thăm mấy hộ “Quãng Ngãi”, Phường còn gởi mấy anh chị mấy đòn bánh tét, vài hộp mứt, chai rượu “Phú Lễ Bến Tre” chánh tông và “lì xì” mấy cháu chút tiền gọi là lấy lộc đầu năm. Tiếng Đại úy Sơn, trưởng khu vực nói rất vui.
Những chiếc xe hủ tíu của dãy nhà trọ đã đậu rất gọn gàng nằm cạnh nhau. Những cái bàn nho nhỏ vừa mới là nơi bán buôn cho thực khách giờ lại được bày ra để đón những người khách “không mời mà tới”. Những bàn tay run run nắm lấy nhau để xua tan cảm giác cô đơn để đón nhận giây phút bất ngờ, hạnh phúc. Những đôi mắt nhìn nhau ươn ướt. Những đứa trẻ sung sướng cầm chặt những chiếc phong bì lì xì đỏ thắm như những báu vật. Cũng phải thôi bởi chúng được nhận quà ngay trong đêm ba mươi như những câu chuyện cổ tích có thật giữa cuộc đời.
– Để tui mần một bài tân nhạc “khuyến mãi” xóm hủ tíu “Quãng Ngãi” mình nghe. Sau đó xin mời mọi người dô 100% chai rượu đế tui mang theo để “Híp Pi Nêu Dia”.
Vừa nói dứt lời Đại úy Sơn hát liền một “lèo” “Tết nay anh không thèm kẹo mứt, vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng. Tằng…tắng… tăng…”.
Xóm hủ tíu đêm nay không ngủ vì hạnh phúc đến thật bất ngờ, giản dị và ấm ấp biết bao. Hai Thu nhìn sang con Thắm. Nó đang cười toe toét nhe ra mấy cái răng sún thiệt dễ thương, tay nắm chặt bao lì xì.
Nó, ba mẹ nó, cả cái xóm “Quãng Ngãi” nầy đã không còn cô đơn nữa trong thời khắc giao thừa.
Song Anh