1.000 nhà vệ sinh công cộng xã hội hóa, chỉ 2 hoạt động

21/02/2017 07:17
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) –

Trong số 1.000 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) được TP.Hà Nội giao xã hội hóa từ tháng 8.2016 đến nay, mới chỉ có 2 NVSCC được đưa vào hoạt động.

Từ tháng 8/2016, UBND TP Hà Nội đồng ý cho Công ty CP Truyền thông Vinasing triển khai dự án đầu tư 1.000 NVSCC, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước tự động uống trực tiếp và 200 ghế đặt tại các nơi công cộng để phục vụ cộng đồng. Đổi lại Vinasing được khai thác quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn Hà Nội trong 10 năm.

nhà vệ sinh

Nhà vệ sinh công công xây xong nhưng không hoạt động

UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu các NVSCC phải đồng bộ về trang thiết bị, đảm bảo thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan của từng địa điểm; Sử dụng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường; Thiết kế thoáng gió, sử dụng vòi nước tự động. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện công tác duy tu, duy trì, vận hành trong suốt quá trình hoạt động của các nhà vệ sinh công cộng này.
Trong một cuộc họp sau đó, nhà đầu tư đã báo cáo, trước Tết Nguyên đán 2017 sẽ có 200 NVSCC được đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố. Thông tin này đã khiến dư luận rất mong đợi, đặc biệt là những người lao động thường xuyên phải làm việc bên ngoài. Tuy vậy, đến nay mới chỉ 55 NVSCC được lắp đặt nhưng chưa sử dụng. Mới chỉ có 2 điểm đang hoạt động thí điểm tại phố Trần Nhân Tông (trước cửa Công viên Thống Nhất) và Vườn hoa Yersin (phố Lê Thánh Tông).
Ông Bùi Thái Song, Phòng Dự án Công ty cổ phần Truyền thông Vinasing cho biết, dự kiến ngày 20.3, công ty sẽ tiếp tục bàn giao 100 NVSCC để đưa vào sử dụng. Lý giải về việc chậm trễ tiến độ xây dựng NVSCC, đại diện công ty cho biết do nhiều vị trí chậm bàn giao mặt bằng.

Tuy đã được quy hoạch vị trí nhưng khi công nhân đến, nhiều người dân mới biết và phản đối. “Mặc dù được giải thích là NVSCC hiện đại, không gây mùi nhưng nhiều người dân vẫn kiên quyết phản đối xây gần nhà họ”, ông Song nói.

“Ở đây có trách nhiệm của các phường, xã ở nhiều địa phương khi họ không nắm được vị trí cụ thể lắp đặt NVSCC, không tuyên truyền, nên gây ra phản ứng từ phía người dân. Bên cạnh đó còn một số NVSCC phải hoàn trả mặt bằng, hủy bỏ vị trí do vướng công trình ngầm”, ông Song nêu khó khăn.

Chính Lê


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
1.000 nhà vệ sinh công cộng xã hội hóa, chỉ 2 hoạt động