Những kỳ tích Việt Nam trong thế kỷ 21 sẽ là gì? Chúng tôi nghĩ rằng, công cuộc đổi mới đất nước khởi đầu từ năm 1986 – Ðại hội lần thứ VI của Ðảng ta sẽ được lịch sử đánh giá là một kỳ tích. Ðương nhiên kỳ tích này nối liền hai thế kỷ 20 và 21. Bởi cho đến hôm nay, khi thế giới đã đi qua hai thập niên đầy biến động, chúng ta vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà công cuộc đổi mới đem lại đã tạo vị thế mới của đất nước ta. Ðó là hành trang rất quý báu để cả dân tộc vững bước đi lên.
Phát triển kinh tế nhưng phải giữ vững chủ quyền đất nước, bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội và môi trường văn hóa. Giữ gìn từng tấc đất biên cương, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc là trao truyền thiêng liêng của thế hệ cha ông, là sứ mệnh của mỗi người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Chiếc xe tăng đầu tiên (xe 390) của quân giải phóng húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975.
Giờ đây, mỗi năm chúng ta kỷ niệm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước trong niềm vui, niềm tự hào chính đáng, không phải không có những tiếng nói của một số người nào đó cho rằng, hãy chỉ nên nói tới sự hòa giải, hòa hợp dân tộc mà không nên nói tới cụm từ “giải phóng miền nam” nữa(!). Thật ra nói như vậy là đã đánh tráo khái niệm. Chủ trương nhất quán của Ðảng ta là hòa hợp dân tộc, tạo mọi điều kiện để mỗi người dân Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước lao động, cống hiến, xây dựng đất nước phát triển, nhà nhà hạnh phúc, an vui. Giải phóng miền nam, thu giang sơn về một mối là mệnh lệnh của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Ngày miền nam giải phóng là ngày đồng bào ta thoát khỏi ngục tù, xiềng xích của chế độ thực dân mới. Bởi không ai có thể quên những tội ác dã man của quân xâm lược đã gây ra đối với đồng bào ta trên cả hai miền nam, bắc. Giặc Mỹ đã tổ chức hàng trăm nghìn cuộc khủng bố, giết hại dã man cán bộ, chiến sĩ, bà con ta ở miền nam. Làm sao có thể quên cuộc thảm sát ở làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, các đơn vị lính Mỹ đã thảm sát 504 dân thường không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Cuộc thảm sát chấn động lương tâm nhân loại! Làm sao có thể quên hàng chục nghìn đồn bốt địch mọc lên khắp nơi. Quân địch đã lùa đồng bào vào hàng chục nghìn ấp chiến lược, rải hàng triệu lít chất độc da cam đi-ô-xin xuống khắp miền nam, mà hậu quả của nó sau hơn nửa thế kỷ vẫn còn đau nhức.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà công cuộc đổi mới đem lại đã tạo vị thế mới cho đất nước ta
Làm sao có thể quên hàng trăm nghìn tấn bom đạn Mỹ đã trút xuống khắp dải đất miền trung, miền bắc, trong đó có trận ném bom rải thảm Khâm Thiên tháng Chạp năm 1972 vô cớ trút xuống đầu dân lành! Lịch sử rõ ràng như thế, sao vẫn còn những tiếng nói lạc lõng? Những ai không tôn trọng lịch sử dân tộc chính là không tôn trọng chính mình. Viết đến đây tôi bỗng nhớ câu thơ của nữ sĩ Ðinh Thị Thu Vân:”Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm / Lòng vẫn nghĩ: tháng Tư làm nhân chứng”.
Tháng 4-1975 mãi là nhân chứng cho lịch sử Việt Nam, nhân chứng sáng đẹp khi cả dân tộc bước sang một trang sử mới. Và giờ đây cả dân tộc vẫn đang trong hành trình đi tìm và làm nên những kỳ tích mới. Những kỳ tích mà không gì có thể thay thế được, đó là con người – con người Việt Nam thông minh, anh dũng, nhân hậu và khoan dung.
Hải Ðường