5 bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè và cách phòng tránh

Ly Ly|03/06/2017 01:41
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Để trẻ nhỏ phát triển khỏe mạnh, các bác sỹ nhi khoa khuyến cáo, phụ huynh cần hiểu đúng và biết cách phòng tránh một số bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè.

(Moitruong.net.vn) – Thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều rất dễ để bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ như tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não, thủy đậu…

dich-benh-mua-he

Mùa hè là thời điểm dễ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm ở trẻ

1. Bệnh tiêu chảy
Bệnh tiêu chảy gồm tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài và hội chứng lỵ, trong đó phần lớn trẻ em bị bệnh tiêu chảy là mắc tiêu chảy cấp. Nếu tiêu chảy không được điều trị hoặc điều trị không hợp lý, trẻ sẽ bị “cạn nước trong người” hay có dấu hiệu mất nước. Nếu cơ thể mất nước thì sẽ hoạt động yếu dần và nếu không được bổ sung kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, tiêu chảy cũng làm rối loạn các chất khoáng trong cơ thể mà hậu quả là các hoạt động của các cơ quan sẽ bị rối loạn. Đồng thời, tiêu chảy kéo dài sẽ dễ đưa đến suy dinh dưỡng, một trong những biến chứng rất nguy hiểm của tiêu chảy, góp phần dẫn đến tử vong.
Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cho trẻ trong mùa hè, bác sỹ Nguyễn Bá Đăng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo phụ huynh cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống sôi, không uống nước lã. Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm. Ngoài ra, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Và khi trẻ có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

2. Bệnh sốt xuất huyết
Đây là bệnh do virus gây nên và thường có hiện tượng sốt đi sốt lại, diễn tiến bất thường như tay chân lạnh, đau bụng, nôn ói nhiều… Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai: “Bệnh sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời, đúng cách, có thể dẫn đến biến chứng như sốc, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác, có thể gây tử vong…”.
Trong giai đoạn đầu khởi bệnh, trẻ thường có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với sốt phát ban, sốt siêu vi, tay chân miệng… nên phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ các biểu hiện bệnh của trẻ để có hướng chăm sóc thích hợp cũng như đưa trẻ đến khám cơ sở y tế kịp thời.
Với những trẻ lớn thường có các dấu hiệu là trẻ đang chơi khỏe mạnh thì đột ngột sốt cao, uống thuốc sốt có bớt nhưng sau đó sốt trở lại. Thông thường 2 ngày đầu trẻ có thể kèm theo một số triệu chứng như đau đầu, biếng ăn, mệt mỏi, nhức mỏi cơ giống như cảm cúm, sau đó có thể có một số dấu hiệu như biểu hiện xuất huyết ở da, chảy máu mũi hoặc chảy máu răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen…

sot xuat huyetVirus trong muỗi là nguyên nhân gây sốt xuất huyết

Ở trẻ nhũ nhi, bệnh diễn tiến bằng biểu hiện sốt cao, có khi kèm theo triệu chứng hô hấp như ho, sổ mũi, hắt hơi hoặc triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói, dễ nhầm với bệnh lý đường hô hấp hay đường tiêu hóa.
Hiện, chưa có vaccine phòng ngừa sốt xuất huyết. Do đó, để phòng bệnh cần tích cực chủ động diệt muỗi, lăng quăng. Không để các vật dụng chứa nước có thể sinh muỗi trong nhà, loại bỏ những ly, lọ chứa nước lâu ngày. Cần dọn dẹp nhà cửa thoáng đãng, phát quang bụi rậm, không để nước tù đọng quanh nhà. Các chum vại chứa nước cần được cọ rửa, vệ sinh kỹ. Và đặc biệt chú ý bỏ màn cho trẻ khi ngủ để phòng muỗi đốt truyền virus gây bệnh.

3. Bệnh tay chân miệng
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, bệnh tay chân miệng do vi trùng đường ruột Ente’virus (E71) và Coxcakieruses gây nên. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá, từ người sang người nên các yếu tố sinh hoạt tập thể như ở trường học khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao, đặc biệt là trong các đợt bùng phát bệnh. Ban đầu, trẻ thường sốt nhẹ, than đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn.
Với trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú. Khi đó, trong miệng trẻ đã có thể có những vết loét đỏ như vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi… Quan sát tiếp có thể thấy những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông trẻ.
Bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan, chưa có thuốc phòng và thuốc đặc trị nên chỉ có thể phòng tránh bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Bên cạnh đó, thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi. Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày và lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Ngoài ra, cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và điều trị sớm nhất.

tiem vaccineTiêm vaccine là cách tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ

4. Bệnh viêm não do virus
Bệnh viêm não virus là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), “biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê…”.
Để phòng ngừa bệnh viêm não do virus cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi.
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín… Đối với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản cần tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch.

5. Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu do một loại siêu vi mang tên varicella zoster virus gây ra. Bệnh này rất dễ lây truyền qua đường hô hấp và qua tiếp xúc dịch tiết. Khoảng 10 – 14 ngày sau khi xâm nhập vào cơ thể, người bệnh bắt đầu biểu hiện triệu chứng nhiễm thủy đậu.
Khi bị mắc bệnh trẻ thường có biểu hiện sốt nhẹ, biếng ăn. Sau đó cơ thể sẽ bắt đầu nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, tay, chân và thân. Mụn nước có đường kính vài milimet. Nếu bị nặng, mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ. Sau 1 – 2 ngày mới xuất hiện nốt đậu. Nốt đậu nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng.
Để phòng bệnh thủy đậu cho trẻ, các bác sỹ nhi khoa khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi. Bên cạnh đó, cần thường xuyên rửa tay cho trẻ, vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý, vệ sinh nhà cửa và các vật dụng sinh hoạt bằng nước sát khuẩn… Đồng thời, hạn chế tiếp xúc người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

Ly Ly


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè và cách phòng tránh