90% người Việt bị bệnh răng miệng

Minh Anh (t/h)|29/11/2019 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW cho thấy có đến 90% người Việt đang mắc các vấn đề về răng miệng. Điều này xuất phát chủ yếu từ thói quen chăm sóc răng hàng ngày.

Theo thống kê được công bố vào tháng 9 của bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương, hơn 90% người Việt Nam đang mắc các vấn đề về răng miệng. Trong đó, trên 80% người trưởng thành và cao tuổi có răng sâu vĩnh viễn. Tỷ lệ sâu răng ở trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 8 tuổi là 85%, và 94% số này không được thăm khám và có các biện pháp điều trị.

Ngoài ra, các bệnh lý khác như viêm lợi, viêm quanh răng cũng rất phổ biến. Tỷ lệ mắc bệnh viêm lợi, quanh lợi và quanh răng ở trẻ em là 60%, còn ở người trưởng thành lên tới 80%. Nhiều người có túi mủ bệnh lý quanh chân răng, khiến răng lung lay và hình thành ổ nhiễm khuẩn, ảnh hưởng tới khả năng nhai.

Ảnh minh họa

Sâu răng

Các bác sĩ nha khoa cho biết, hầu hết mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh sâu răng, nhưng đối tượng phổ biến và thường gặp nhất vẫn là trẻ em. Những cơn đau hay ê buốt bất ngờ khi nhai đồ cứng, uống nước lạnh hoặc nóng cũng có thể là triệu chứng của sâu răng.

Nguyên nhân chính gây sâu răng là do thói quen vệ sinh răng miệng. Mảng bám thức ăn thừa trên răng không được vệ sinh sạch, sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho các vi khuẩn có sẵn trong khoang miệng sinh sôi nảy nở, hình thành chấm đen li ti. Theo thời gian, những lỗ sâu này phát triển rộng hơn, gây cảm giác đau nhức, khó khăn khi nhai. Nếu không có sự can thiệp của nha sĩ, sâu răng không chỉ gây chết tủy mà còn ảnh hưởng đến các răng bên cạnh.

Cách phòng chống bệnh sâu răng mang lại hiệu quả cao nhất vẫn là giữ vệ sinh và thường xuyên kiểm tra sức khỏe răng miệng định kì 6 tháng/lần. Ngoài ra, nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và hạn chế ăn đồ ngọt, nước uống có ga vào buổi tối.

Viêm lợi

Tư vấn trên báo Lao động thủ đô, PGS.TS Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam cho biết, kết quả điều tra sức khỏe răng miệng ở Việt Nam cho thấy có trên 90% người bị viêm lợi.

Đây là bệnh gây tổn thương đến mô bao quanh và nâng đỡ răng. Lợi của người bệnh sẽ bị sưng đỏ, dễ chảy máu, đặc biệt là khi đánh răng. Viêm lợi tiến triển nặng có thể dẫn đến viêm quanh răng, mất răng. Để điều trị bệnh này, cần làm sạch bề mặt, loại bỏ các mảng bám, vệ sinh răng miệng tốt.

Viêm quanh răng (bệnh nha chu)

Ngoài sâu răng, viêm quanh răng là bệnh có tỷ lệ người mắc rất cao. Bác sĩ Phạm Thị Huyền Trang, Trưởng đơn nguyên Răng hàm mặt, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec
cho biết bệnh gây tổn thương lợi, các dây chằng quanh răng, xương ổ răng và xương răng, có thể gây đau, hôi miệng, chảy máu khi đánh răng, nướu đỏ, sưng, răng bị lung lay khi nhai.

Bệnh viêm quanh răng nặng có thể gây biến chứng như làm đau vùng thái dương, gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc ăn uống, dễ dẫn đến đau dạ dày, ảnh hưởng xấu đến việc tiêu hóa.

Bệnh do các mảng bám và cao răng chứa nhiều vi khuẩn gây tổn thương lợi và quanh răng. Ngoài ra, yếu tố như răng mọc lệch… cũng góp phần làm cho tình trạng viêm tiến triển nặng thêm. Bệnh cũng có thể là do yếu tố bên trong như suy dinh dưỡng, thiếu vitamin C, thay đổi nội tiết ở tuổi dậy thì, sức đề kháng yếu…

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu nào trị bệnh viêm quanh răng. Vì vậy, duy trì thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ và ăn uống hợp lý là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho bạn.

Nướu răng khỏe mạnh là phần chắc, có màu hồng nhạt. Nếu nướu sưng húp, màu nâu sẫm đỏ, dễ chảy máu, hơi thở hôi, rất có thể bạn đã bị mắc bệnh.

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu nào trị bệnh viêm quanh răng. Vì vậy, duy trì thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ và ăn uống hợp lý là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho bạn.

Hôi miệng

Nguyên nhân chính dẫn đến hôi miệng là do vệ sinh răng miệng không đúng cách tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Khi ăn, một số thức ăn nhỏ dính trong kẽ răng, hốc răng sâu bên trong bị vi khuẩn phân hủy gây ra mùi hôi; ăn các loại thức ăn có mùi nồng như hành, tỏi…Lượng nước bọt không đủ để làm sạch răng cũng có thể là nguyên nhân của hôi miệng. Ngoài ra, bị mắc các bệnh như nhiễm trùng phổi mãn tính, ung thư phổi, viêm phổi hoặc có vật lạ trong mũi…cũng có thể bị hôi miệng.

Để điều trị hôi miệng, cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng 2 lần/ngày, thường xuyên súc miệng sau khi ăn, không hút thuốc lá…

Một nguyên nhân khác đến từ việc xem nhẹ các bệnh răng miệng, dẫn đến việc các bệnh lý về răng không được điều trị kịp thời. Theo một điều tra của Bộ Y tế, hơn nửa dân số Việt Nam không bao giờ đi khám răng, một số chỉ đi khám khi gặp các vấn đề nhận thấy rõ như đau nhức, sưng tấy, và chỉ 10% người dân đi khám định kỳ. Các chuyên gia cho biết phần lớn bệnh về răng miệng nếu phát hiện sớm có thể khắc phục bằng cách thay đổi phương pháp chăm sóc răng.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan
  • Cách phòng bệnh hô hấp cho trẻ trong mùa lạnh
    Moitruong.net.vn – Viêm họng cấp, viêm phế quản là những bệnh lý về đường hô hấp phổ biến nhất mà trẻ em dễ mắc khi thời tiết trở lạnh. Cần làm gì để phòng bệnh cho con trẻ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
90% người Việt bị bệnh răng miệng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.