Ấm lòng với quỹ hiếm muộn của lính biên phòng

My Lăng (TT)|29/06/2017 09:21
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Quỹ hiếm muộn của bộ đội biên phòng là chương trình nhân văn. Quỹ này giúp hỗ trợ động viên cả về vật chất lẫn tinh thần cho những chiến sĩ bị hiếm muộn.

40 tuổi mới làm cha

Kết hôn năm 29 tuổi nhưng 11 năm sau – khi đã chạm đến cái ngưỡng 40 – thiếu tá Nguyễn Hùng Vương (chính trị viên trạm kiểm soát cửa khẩu Tân Thuận, Q.7, TP.HCM) mới lần đầu tiên được làm cha.

Con gái của anh – bé Nguyễn Ngọc Linh Đan, ra đời tháng 3 năm ngoái. Trong điện thoại của anh lưu hàng trăm hình ảnh con gái từ lúc mới sinh cho đến bây giờ khi Linh Đan đã được 15 tháng tuổi.

Thiếu tá Vương tâm sự: “Không tài sản nào so sánh được với đứa con. Bé giống ba nhiều. Bây giờ bé cao 8 tấc 2, nặng 13kg, bụ bẫm, kháu khỉnh lắm, bập bẹ tập nói rồi. Nhà mình lúc nào cũng ngập tràn niềm vui. Vợ chồng mình ở Q.Gò Vấp. Một tuần mình cứ hai đêm trực ở đơn vị thì một đêm được ở nhà. Mỗi lần ba về bé cứ đòi ẵm riết, cưng lắm”.

Bé Linh Đan là “trái ngọt” sau 11 năm kiên trì chữa trị của vợ chồng Vương và đặc biệt, sự hỗ trợ tuyệt đối từ chương trình quỹ hiếm muộn do Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam phát động. Năm 2015, vợ chồng thiếu tá Nguyễn Hùng Vương là một trong số hàng trăm trường hợp hiếm muộn của biên phòng được nhận 20 triệu đồng hỗ trợ từ quỹ hiếm muộn.

Thật ra số tiền này không là gì so với hành trình hơn 10 năm điều trị hiếm muộn, nhưng nói như thiếu tá Nguyễn Hùng Vương: “Quan trọng nhất là sự hỗ trợ về mặt tinh thần và tạo điều kiện tối đa cho mình được điều trị, đi lại, có nhiều điều kiện để vợ chồng gặp nhau hơn. Tôi biết những người ở miền Nam ra Bắc hoặc ở Bắc vào Nam chữa trị đều được tạo điều kiện tốt nhất về chỗ ở, thậm chí cấp trên sẵn sàng cho chuyển công tác từ nơi khó khăn nhất về nơi thuận lợi nhất để điều trị đạt hiệu quả cao nhất. Sự quan tâm của tổ chức với cá nhân, việc tạo điều kiện hết lòng của cấp trên là động lực giúp chúng tôi vượt qua những lúc khó khăn nhất, tuyệt vọng nhất”.

Chuyện của người ở Lai Châu

Hơn 13 năm công tác ở vùng đặc biệt khó khăn như Lai Châu, thượng úy Phạm Văn Thắng, 38 tuổi, nhân viên đội vận động quần chúng đồn biên phòng Dào San (xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đùa: “Không chỉ khó ở đơn vị công tác mà mình cũng khó có con luôn. Mình cưới vợ tháng 4-2011 nhưng 5 năm sau mới có con, cũng nhờ sự hỗ trợ tối đa của cấp trên từ chương trình quỹ hiếm muộn. Nếu không thì không biết khi nào mới có con”. Thiên thần của thượng úy Phạm Văn Thắng tên Phạm Khánh Trang, sinh tháng 5-2016.

Từ năm 2002 đến tháng 12-2014, anh Thắng công tác ở đồn biên phòng Ka Lăng (huyện Mường Tè), cách trung tâm thành phố 278km. Người lính biên phòng trẻ gắn bó với Ka Lăng từ thời không sóng điện thoại, không điện lưới, xài đèn dầu. Cưới xong, anh cứ đi biền biệt ở vùng rừng núi, xa xôi. Vợ anh vẫn làm việc ở Vĩnh Phúc. Lúc đó từ đồn về nhà đi bốn ngày ba đêm nếu không nhỡ xe. Nhỡ xe thì mất thêm một ngày nữa mới về đến nhà. Có năm 18 tháng anh mới được về phép.

Từ năm 2013, có năm anh được về phép 2-3 đợt nhưng có công việc đột xuất phải lên đơn vị ngay. Thượng úy Phạm Văn Thắng nói từ lúc có chương trình quỹ hiếm muộn, anh được cấp trên tạo điều kiện cứ 2-3 tháng về một lần để đặt phôi. Biên phòng tỉnh tạo điều kiện cho về hai tháng, thậm chí ưu ái cho đăng ký nghỉ sáu tháng đến một năm cho đến khi được thì thôi.

Anh Thắng cho biết trong lần gặp mặt các cặp vợ chồng bị hiếm muộn mấy năm trước, lãnh đạo Bộ đội biên phòng Việt Nam đã nói chữa trị hiếm muộn cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị. Bộ đội biên phòng ở vùng núi, khí hậu, thời tiết thì khắc nghiệt, đi lại khó khăn. Có lẽ vì vậy mà cũng ảnh hưởng đến việc sinh con. Lãnh đạo sẽ giải quyết cho các trường hợp khó khăn, không có điều kiện thực hiện việc chữa trị chuyển đơn vị về gần vợ con, đang ở chỗ lương thấp tạo điều kiện cho về chỗ lương cao nhất, cốt là tạo điều kiện cho về nhà nhiều hơn, gần vợ hơn.

My Lăng (TT)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ấm lòng với quỹ hiếm muộn của lính biên phòng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.