Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Ngày 18/7/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã ký Kế hoạch 473/KH-UBND về triển khai thực hiện đề án này. Kinh tế tuần hoàn là tư duy không mới nhưng với chủ trương, định hướng cùng quyết tâm thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương sẽ tạo động lực cho mô hình bền vững này phát triển.
UBND tỉnh An Giang xác định, chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG); góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Theo ông Lê Văn Phước, phát triển kinh tế tuần hoàn phải dựa trên cách tiếp cận mở, hướng nhiều hơn đến tạo dựng không gian và thuận lợi cho phát huy hiệu quả kinh tế, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm huy động và sử dụng hiệu quả tri thức nhân loại, các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, các nguồn lực cần thiết từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức quốc tế và các đối tác nước ngoài. Phát triển kinh tế tuần hoàn cần bảo đảm khẩn trương, thực chất, hiệu quả, khả thi, có kế thừa những thực tiễn tốt ở các nước và trong nước; mạnh dạn thử nghiệm trong các lĩnh vực cụ thể, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tỉnh định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn bền vững phải dựa trên cơ sở nâng cao nhận thức, sự chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN); khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường.
An Giang mục tiêu hướng đến phát triển “xanh”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Qua đó, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các DN và ngành kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của DN và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn của tỉnh An Giang nhằm góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP của cả nước ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014; hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Để làm đạt được mục tiêu quan trọng này, tỉnh An Giang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế. Phấn đấu đến năm 2025, các dự án kinh tế tuần hoàn bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; đóng góp vào phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tăng cường tỷ lệ tái chế rác thải, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công nghiệp xuất khẩu. Đến năm 2030, các dự án kinh tế tuần hoàn trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, cũng như trong tăng cường tỷ lệ che phủ rừng.
An Giang xác định, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ hỗ trợ xây dựng lối sống xanh, thiết lập quy trình bài bản phân loại - thu gom - vận chuyển - xử lý rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thực hiện tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ny-lon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong sinh hoạt; tăng đáng kể năng lực tái chế rác thải hữu cơ ở đô thị và nông thôn.
An Giang tập trung tuyên truyền, áp dụng các chế tài xử lý nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, DN cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ny-lon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong sinh hoạt. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế. Đồng thời, không làm phát sinh việc chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt từ các mô hình kinh tế tuần hoàn ở đô thị; tối đa hóa tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định ở các khu đô thị.
Ông Lê Văn Phước cho biết, tỉnh sẽ lồng ghép việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nghiên cứu, lồng ghép phát triển kinh tế tuần hoàn vào chính sách, dự án liên kết vùng, tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, tăng cường nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình thu thập, sử dụng, phân tích thông tin nhằm hỗ trợ các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông toàn diện, hài hòa gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, chủ động trao đổi với các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tìm kiếm cơ hội tiếp cận tri thức, kỹ năng và nguồn lực phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua các dự án thử nghiệm cụ thể về kinh tế tuần hoàn, các dự án về công nghệ, dịch vụ (công nghệ thông tin, môi trường...) thân thiện với kinh tế tuần hoàn,