Kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững. Kinh tế tuần hoàn cũng giúp đạt các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và giúp ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biễn ngày một phức tạp.
Cơ hội phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Việt Nam đang là một quốc gia có tốc độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế cao, đặt biệt là tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hầu hết các hiệp định này đều có các quy định, thỏa thuận về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Đây là tiền đề để thúc đẩy Việt Nam tăng tốc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, Việt Nam có thuận lợi trong việc học tập kinh nghiệm thực tiễn về phát triển mô hình kinh tế của các quốc gia phát triển trên thế giới, tận dụng các cơ hội hợp tác về tiếp nhận chuyển giao các công nghệ về thiết kế, chế tạo, công nghệ thông tin hiện đại. Hiện nay, Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy…; mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, các dòng phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất. Hoạt động này đã được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu, tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn.
Cùng với lợi thế này, trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tái chế, tái sử dụng. Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững.
Trong khi đó, mô hình kinh tế tuần hoàn có thể đáp ứng được mục tiêu trên trong chủ trương chính sách của Nhà nước. Cùng với đó, các chính sách khuyến khích và tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh sẽ có nhiều cơ hội cho đầu tư của khu vực tư nhân vào thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn so với cách thức tăng trưởng trước đây. Đây là động lực và là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Một số thách thức đặt ra
Là một nước có nền kinh tế lạc hậu, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đã và đang đặt ra không ít thách thức đối Việt Nam, tiêu biểu như:
Một là, khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện. Hiện nay, Việt Nam còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển như: Quy định trách nhiệm của doanh nghiệp về thu hồi, phục hồi tài nguyên từ các sản phẩm đã qua sử dụng; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường…
Hai là, nhận thức về kinh tế tuần hoàn và sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Nhận thức đúng về kinh tế tuần hoàn cần được thực hiện từ việc thiết kế tới triển khai đối với từng ngành, từng lĩnh vực và cần được đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo, các cấp quản lý tới từng doanh nghiệp và người dân.
Ba là, nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đối sang phát triển kinh tế tuần hoàn còn yếu. Kinh tế tuần hoàn phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, để giải quyết tốt các vấn đề, từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình.
Bốn là, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực về công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; khó thay đổi ngay thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội hiện nay đối với nhiều sản phẩm dễ sử dụng như túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần sang chỉ sử dụng những vật liệu, sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ.
Năm là, kinh tế tuần hoàn là đỉnh cao của cách tiếp cận hướng đến phát thải bằng không, đòi hỏi một sự phối hợp chia sẻ thực sự gắn với lợi ích kinh tế, do vậy việc sử dụng động lực kinh tế, cơ chế thị trường để gắn kết các bên liên quan nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn là thách thức lớn.
Sáu là, để thực hiện kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi giải quyết được từ khâu thiết kế đến khâu cuối cùng tái sử dụng, tái chế chất thải. Hiện nay những chuyên gia này chưa được đào tạo và chưa có chuyên ngành đào tạo.
Bảy là, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế, đây là thách thức không nhỏ đối với thực tiễn vận hành của kinh tế Việt Nam và ý thức phân loại chất thải tại nguồn của người dân.
Tám là, chúng ta chưa có bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của kinh tế tuần hoàn. Đây là thách thức lớn để biết được sự phát triển kinh tế hiện nay đã tiếp cận tới phát triển kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực và địa phương ở mức độ nào.
Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường; quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.
Doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Vai trò kiến tạo của Nhà nước thể hiện trong việc tạo ra một môi trường để kinh tế tuần hoàn phát triển. Do vậy, Việt Nam nên cân nhắc đưa cả hai cách tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàn của quốc tế vào lộ trình phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.
Thứ ba, điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; kiểm soát, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất, kỹ thuật môi trường và vị trí thực hiện dự án. Xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.
Thứ tư, thực hiện kinh tế tuần hoàn cần gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ mới sẽ giúp việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên; đồng thời, tạo được cơ hội việc làm mới… đảm bảo mục tiêu của mô hình này.
Thứ năm, để mở rộng nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất cần phải xác định rõ đâu là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Thay vì sản xuất sản phẩm càng nhanh, càng rẻ càng tốt, thì độ bền của sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững mới là yếu tố then chốt. Sản phẩm cần được thiết kế sao cho dễ dàng tái chế nếu muốn chúng không phải kết thúc số phận ở các bãi chôn rác.
Thứ sáu, xây dựng Chiến lược truyền thông về kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng. Cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn.
Cần ưu đãi cho doanh nghiệp bảo vệ môi trường
Một trong những giải pháp hữu hiệu trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là nhà nước đã tạo nhiều cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Vừa qua, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022 - Hội nghị khởi động kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, các đại biểu đã tham dự 4 phiên thảo luận chuyên đề gồm: Thúc đẩy hợp tác về kinh tế tuần hoàn thông qua tạo lập mạng lưới đối tác, chia sẻ kiến thức; tài chính và công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm nhựa tới sức khỏe.
Trao đổi về hành lang pháp lý hỗ trợ kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Tiến sĩ Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối. Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Hoạt động kinh tế tuần hoàn được xây dựng trên các tiêu chí chung gồm: Sử dụng tiết kiệm và hợp lý tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên sinh học, tài nguyên biển và hải đảo, tài nguyên khí hậu (năng lượng mặt trời, năng lượng gió); kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; giảm mức độ suy thoái của hệ sinh thái; giảm phát thải khí nhà kính; bảo tồn đa dạng sinh học...
Theo Tiến sĩ Mai Thế Toản, kinh tế tuần hoàn ở nước ta có nhiều thuận lợi như: Chủ trương về phát triển kinh tế tuần hoàn, hệ thống pháp luật, công cụ chính sách khá đầy đủ.
Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và được sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, sự gia tăng nhận thức và nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm sạch...
Mặc dù vậy, việc phát triển kinh tế tuần hoàn ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn như: Tư duy và tiếp cận hệ thống còn thiếu; hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn chưa cao. Hành vi của người sản xuất, người tiêu dùng chưa thân thiện.
Một số công cụ chính sách chưa đồng bộ, thống nhất (hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật còn thiếu). Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên môi trường còn hạn chế...
Một trong những giải pháp hữu hiệu trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là nhà nước đã tạo nhiều cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sử dụng nguyên liệu sạch, quy trình sản xuất đảm bảo các tiêu chí môi trường như: Ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh; cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại các tổ chức cho vay thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo lãnh tín dụng; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; ưu đãi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt; trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Huy Đại, Đại học Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong quá trình chế biến gỗ, luôn có phế liệu gỗ ở hầu hết các công đoạn từ khâu khai thác đến gia công. Việc tái sử dụng phụ phẩm, phế liệu gỗ trong quá trình chế biến sẽ giúp tạo mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành chế biến gỗ. Trên thực tế, phụ phẩm gỗ chiếm tỷ lệ khối lượng khá cao, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Phế liệu gỗ tại các nhà máy phục vụ cho mục đích cung cấp nhiệt cho nồi hơi, lò hơi thay cho việc sử dụng than đá, hoặc dầu như trước đây sẽ có ý nghĩa to lớn về bảo vệ môi trường và giảm khí thải CO2.
Phế liệu gỗ sau chế biến tại các xí nghiệp có thể được thu gom để sản xuất tập trung các sản phẩm năng lượng. Các sản phẩm năng lượng như viên nén gỗ, gỗ củi ép mùn cưa, than gỗ đã góp phần không nhỏ vào việc giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính, nhóm nhiên liệu này được thay thế bởi các nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường, phát thải một lượng khí lớn CO2 vào môi trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Huy Đại cho rằng, để tạo kinh tế tuần hoàn trong chế biến gỗ, cần phát huy hiệu quả chính sách để tạo rừng trồng ở quy mô lớn, liên kết các hợp tác xã, các hộ dân trồng rừng với các nhà máy chế biến gỗ; khuyến khích, tạo cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp là các chủ rừng, phát triển liên kết theo quy trình trồng, khai thác và chế biến-tiêu thụ để từ đó tạo vòng kinh tế tuần hoàn; sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm tạo ra trong quá trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn cho sản xuất. Các cơ quan quản lý cần hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về hiệu quả của kinh tế tuần hoàn...
Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam để kết nối giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) là đầu mối thực hiện.
Theo đó, Mạng lưới có 5 hợp phần chính gồm: Đối thoại chính sách; chia sẻ kiến thức và nghiên cứu điển hình; thông tin về tài chính; diễn đàn doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu.
Mạng lưới sẽ vận hành theo hình thức đối tác công tư. Các hoạt động điều phối của mạng lưới sẽ được thực hiện bởi Hội đồng cố vấn do các nhóm công tác hỗ trợ. Các thành viên của Hội đồng cố vấn sẽ bao gồm các nhà hoạch định chính sách, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức xã hội.