Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Vụ lúa thu đông năm nay An Giang sản xuất gần 180.000ha trên tổng số 643 tiểu vùng, trong đó có 421 tiểu vùng có đê bao triệt để với diện tích khoảng 194.000ha. Tuy nhiên, năm nay lũ về muộn, nhưng An Giang không chủ quan mà vẫn đưa ra kịch bản nước lũ ở mức báo động 2, để các địa phương luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó và thích nghi nhằm đảm bảo vụ lúa thắng lợi.
Trước diễn biến thị trường giá lúa đang ở mức cao như hiện nay nông dân và doanh nghiệp hết sức phấn khởi. Tỉnh An Giang khuyến khích nông dân sản xuất lúa thu đông trong các đê bao an toàn. Song song đó tăng cường phương án bốn tại chỗ để tuyên truyền người dân không chủ quan khi nước lũ sắp về. Tuy nhiên, vụ thu đông là mùa thuận, nhưng lại lo bão lũ, còn đến vụ đông xuân, hè thu sắp tới là mùa cạn, sẽ thiếu nước, nguy cơ hạn mặn và biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Chính vì vậy, theo ông Thư, hiện nay An Giang đang triển khai xây dựng từng khu trữ nước ngọt khác nhau trong giai đoạn 10 năm sắp tới. Trước mắt tỉnh chia ra 2 giải pháp căn cơ để thực hiện trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mùa khô.
Giải pháp thứ nhất, là thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong tỉnh một cách căn cơ, giảm diện tích sản xuất lúa, đặc biệt lúa hè thu thu vì lúa là cây sử dụng nhiều nước. Vì vậy cần chuyển sang các đối tượng cây trồng cạn sử dụng ít nước, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao như: xoài, chuối, hoa màu các loại, trong đó có cây cao lương đang được triển khai trên địa bàn.
Giải pháp thứ 2, là tưới tiết kiệm nước, hiện nay tỉnh An Giang đang khuyến khích nông dân, hợp tác xã (HTX) và cả doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước vừa đảm bảo cây trồng cho năng suất tốt. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình trữ nước ngọt ở nhiều cấp độ khác nhau. Chẳng hạn như cấp độ doanh nghiệp làm trang trại hay HTX cần có nơi dự trữ nước ngọt cho riêng của mình rồi đến cấp độ của từng địa phương đều phải có nơi trữ nước ngọt. Còn cấp độ của tiểu vùng cũng phải có nơi trữ nước ngọt của tiểu vùng, gắn với sinh kế như trồng sen, rau thủy canh, nuôi cá, kết hợp du lịch sinh thái…
Hồ chứa nước ngọt ở vùng cao tại huyện Tri Tôn phục vụ nước tưới nông nghiệp trong mùa khô đang hoạt động hiệu quả
Ông Trần Anh Thư cho biết, những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề và đặc biệt mùa lũ ở ĐBSCL không còn xuất hiện theo quy luật tự nhiên nữa. Vì vậy, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của con người, hiện nay UBND tỉnh An Giang đang trình Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho ý kiến về dự án xây dựng hồ trữ nước ngọt và cấp nước ngọt Trà Sư – Tri Tôn là một phần trong kế hoạch đó. Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc hạ lưu sông Mekong, khi lũ về thì nước dâng cao, ảnh hưởng đến sinh kế người dân. Ngược lại đến mùa khô, nhiều vùng lại bị thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, thậm chí ảnh hưởng đến sinh kế người dân còn nặng nề hơn. Việc xây dựng “hồ trữ ngọt” tự nhiên cho vùng Tứ giác Long Xuyên là rất cần thiết nhằm điều tiết lũ, cung cấp nước cho vùng cũng như khu vực ĐBSCL.
Thực tế này đặt ra yêu cầu phải làm sao trữ lũ để điều hòa và quản lý tốt nguồn nước giữa mùa lũ và mùa khô, đảm bảo sinh kế người dân cũng như bảo vệ môi trường. Năm 2016, An Giang đã bàn bạc với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam về lựa chọn mô hình trữ lũ dựa vào nông hộ hoặc trữ lũ bằng công trình lớn. Sau đó, tỉnh cùng các tổ chức quốc tế thống nhất nghiên cứu mô hình hồ trữ lũ rộng hơn 3.000ha phía dưới khu vực đập tràn Tha La – Trà Sư (An Giang), giải quyết bài toán quản lý nước chủ yếu cho An Giang, Kiên Giang cũng như vùng Tứ giác Long Xuyên.
Theo thiết kế ban đầu, dự án hồ trữ lũ và cấp nước ngọt Trà Sư – Tri Tôn có tổng diện tích 3.050ha, tổng chiều dài bờ bao 37,4km, phục vụ tưới 30.000ha đất nông nghiệp. Với cao độ mặt đất khu vực dự án trung bình 1,26m, để hạ thấp cao độ xuống thành 0m, cần nạo vét hơn 137 triệu mét khối đất. Hồ chứa dự kiến có 6 cửa vận hành, sử dụng máy bơm và cửa cống thay thế cho các đập cao su.
Mai Anh (T/h)