Tại hội nghị các nước nhận định, với sự phát triển nhanh chóng của bối cảnh quốc tế, tương lai của Đông Á có những cơ hội cũng như thách thức. Các nước ASEAN+3, với tư cách là các nền kinh tế lớn trong khu vực khẳng định cần tăng cường đoàn kết và hợp tác chặt chẽ để đối phó với các thách thức. Theo đó cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, đóng góp vào hợp tác Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực thực thi hiệp định. Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin khẳng định ủng hộ những nỗ lực của ASEAN để đảm bảo ổn định trong khu vực.
Hàn Quốc khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ để thực hiện hiệu quả kế hoạch mới, đảm bảo rằng ASEAN+3 vẫn là phương tiện chính cho hợp tác khu vực."
Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần duy trì và phát huy thế mạnh vốn có ASEAN+3 như hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính, phòng chống và ứng phó dịch bệnh. Các Bộ trưởng cũng cho rằng cần mở rộng ưu tiên hợp tác mới để giải quyết hiệu quả các khó khăn, thách thức mà khu vực đang phải đối mặt. Theo đó, các nước nhất trí tăng cường các cơ chế ổn định kinh tế, tài chính hiện có, thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, đẩy mạnh hợp tác bảo đảm an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, triển khai hiệu quả Quỹ Dự trữ Gạo khẩn cấp ASEAN+3 …
Ngoại trưởng Nhật Bản Yashimasa Hayashi cũng kêu gọi duy trì hòa bình v à ổn định trong khu vực: “Cộng đồng quốc tế hiện đang ở một bước ngoặt lịch sử. Điều cần thiết là phải duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật lệ để khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tiếp tục là tâm điểm của tăng trưởng".
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) và các hội nghị liên quan, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và New Zealand đã diễn ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Malaysia và New Zealand.
Tại hội nghị, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, bao gồm hỗ trợ Kế hoạch Hành động Triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - New Zealand (2021-2025) và triển khai thực hiện Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về lồng ghép 4 lĩnh vực ưu tiên trong Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Về hợp tác hàng hải, hai bên nhất trí cam kết tăng cường hợp tác, bao gồm hợp tác về an ninh và an toàn hàng hải; đề cao luật pháp quốc tế, gồm Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Về kết nối, ASEAN và New Zealand cam kết tăng cường hợp tác trong chương trình nghị sự về Kết nối ASEAN thông qua việc tham gia thực hiện Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025; tăng cường hợp tác hàng không, thông qua việc thúc đẩy ký kết Thỏa thuận Dịch vụ Hàng không Khu vực ASEAN - New Zealand chất lượng cao; hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững của ASEAN; đồng thời hỗ trợ hợp tác trong Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN) và giao lưu nhân dân thông qua văn hóa và du lịch.
Đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030, hội nghị đã nhấn mạnh hợp tác về an ninh lương thực và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng; thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực bằng cách hỗ trợ hợp tác về giáo dục, trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái và thanh niên; hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng khu vực, phát triển năng lượng bền vững và tái tạo; hợp tác về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai thông qua Trung tâm ASEAN về Biến đổi khí hậu và Trung tâm điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo và Quản lý thiên tai; hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, bao gồm cả khoảng cách đang nổi lên do tác động của đại dịch COVID-19, thúc đẩy phát triển bền vững và công bằng.
Về hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác, hội nghị thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực thông qua thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do khu vực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA); thúc đẩy các nỗ lực để đạt được tăng trưởng kinh tế khu vực và tiểu khu vực đồng đều và bền vững; tăng cường nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), bao gồm cả lĩnh vực kinh tế sáng tạo; thúc đẩy sự phát triển của một nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện và linh hoạt; tiếp tục hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, bao gồm các lĩnh vực như khoa học biển; giải quyết các thách thức về môi trường bằng cách hỗ trợ hợp tác về quản lý nước, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý bền vững tài nguyên biển bao gồm xử lý rác thải nhựa biển, cùng các vấn đề khác; hỗ trợ quá trình chuyển đổi khu vực sang các nền kinh tế phát thải thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; giải quyết các khía cạnh nhân đạo của bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh trong khu vực và hỗ trợ Trung tâm Hành động Bom mìn Khu vực ASEAN (ARMAC) trong việc giải quyết vấn đề này; hợp tác giải quyết tội phạm xuyên quốc gia; mở rộng hợp tác với các quốc gia, cơ chế khác trong các lĩnh vực cụ thể có lợi ích chung nhằm bổ sung cho các sáng kiến liên quan do ASEAN dẫn dắt.
ASEAN - New Zealand hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ đối thoại ASEAN - New Zealand vào năm 2025. Để hướng tới tương lai và nhấn mạnh sự ủng hộ của hai bên đối với các mục tiêu và nguyên tắc của AOIP, ASEAN đã nêu bật tầm quan trọng và giá trị của mối quan hệ đối tác vững chắc giữa ASEAN và New Zealand. Cả AOIP và cách tiếp cận chiến lược của New Zealand đối với Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương đều chia sẻ các nguyên tắc cơ bản trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở, toàn diện, ổn định và thịnh vượng, lấy ASEAN làm trung tâm.