Một bản đồ nhiệt về Australia. Ảnh: Renew.
Trước đó, hội đồng thành phố Sydney (bang New South Wales) của Australia sẽ gia nhập hàng trăm chính quyền địa phương khác nhau trên toàn thế giới, ban hành Tuyên bố “Tình trạng khẩn cấp về khí hậu.”
Tại Australia, Thị trưởng thành phố Sydney Clover Moore cho biết Sydney dự kiến sẽ đưa ra các cam kết đầy tham vọng, hướng tới mục tiêu giảm khí thải nhà kính, cũng như lên tiếng về đòi hỏi hành động chống biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, dự kiến tuyên bố không bao gồm bất kỳ hành động cụ thể nào.
Theo số liệu thống kê, đến lúc này có 28 hội đồng thành phố tại Australia ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Trong đó, hội đồng thành phố Darebin tại bang Victoria là nơi ban bố tình trạng này sớm nhất.
Mục tiêu của việc ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu là để tập trung nguồn lực và sự quan tâm của mọi người vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một số thành phố, trong đó có thành phố Sydney lập kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050.
Trong khi đó, hội đồng thành phố Gauler tại bang Nam Australia còn chuẩn bị kế hoạch đối phó với điều kiện thời tiết cực đoan như cung cấp các lều trú ẩn tạm thời cho những người vô gia cư trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Việc ngày càng nhiều thành phố tại Australia ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang tạo ra sức ép đối với chính quyền liên bang trong việc cần có thêm hành động quyết liệt hơn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường Liên bang Australia Susan Lei cho rằng trong bối cảnh chính phủ liên bang đã có kế hoạch trị giá 3,5 tỷ đôla Australia để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu thì hội đồng các thành phố nên tập trung vào các hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường địa phương như cải thiện tình trạng rác thải hay tái chế rác thải.
Cùng với các thành phố của Australia, hiện nay trên toàn thế giới đã có 800 thành phố với 140 triệu dân ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hiện tượng thời tiết đe dọa đến sự phát triển của trái đất và con người.
Tú Anh(T/h)