Cụ Quý kể: Năm 2005, khu dân phố Nguyễn An Ninh từ đầu ngõ đến cuối đường đâu đâu cũng có rác. Một lần ngồi nói chuyện với Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở ngay bãi rác cạnh nhà, tôi buột miệng nói: “Phải có cách nào chứ không thể để rác chất thành đống, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt chung của cụm dân cư”. Sau đó, tôi xung phong làm.

(Moitruong.net.vn) – Khi con gà chưa cất tiếng gáy chào buổi sáng, trong ngôi nhà nhỏ tại ngõ 35, đường Nguyễn An Ninh (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), cụ Đinh Thị Quý, 79 tuổi, lại thức dậy lục cục chuẩn bị chiếc chổi nhỏ, túi nylon, bắt đầu công việc quét rác quen thuộc hàng ngày…

balaocongcuakhupho

Cụ Đinh Thị Quý bất kể ngày nắng mưa đều đi dọn rác làm sạch khu phố

Việc làm của cụ Quý trở thành một hiện tượng lạ hơn 10 năm qua, thành đầu đề câu chuyện cho người trong khu phố. Nhiều người thấy cụ Quý cầm chổi quét rác thì cho rằng cụ bị tâm thần, suốt ngày đi quét rác, đêm tối vẫn chực chờ bên những đống rác hôi hám. Lời nói đến tai nhưng cụ không trách, vì mục đích duy nhất của cụ là cả khu phố được “nhà sạch thì mát, phố sạch thêm vui”.

Mỗi ngày như mọi ngày, bất kể mưa nắng, ngày nào cũng 2 lần, cụ Quý cầm chổi xuống đường quét rác. Thay bằng việc tập thể dục, bắt đầu từ 5 giờ sáng, cụ đi quét đường, gom rác lại để cho xe rác đi qua bỏ vào. Đến khoảng 6 giờ 15 phút, cụ đi khắp các ngõ nhỏ gõ kẻng thông báo cho người dân biết sắp đến giờ xe rác đi qua để kịp mang xuống. Dụng cụ của cụ chỉ đơn giản là chiếc chổi và bao tải nhỏ đựng rác.

Từ lâu, tiếng kẻng rác của cụ Quý trở thành “tín hiệu quen thuộc” đối với người dân trong khu dân cư. Nghe tiếng kẻng của cụ, nhà nhà đều rủ nhau xuống đổ rác. Hễ bắt gặp những túi nylon hay tờ giấy báo vương vãi trên mặt đường là cụ Quý lại nhặt rồi đến bỏ vào đống rác quy định. “Tôi dậy từ 5 giờ sáng, đi quét đường một lượt để các cháu nhỏ dậy đi học có đường sạch thông thoáng mà đi. Có lần, thấy tôi cầm chiếc kẻng đi gõ, các cháu học sinh nhanh nhảu chạy đến phụ giúp” – cụ tâm sự.

Công việc quét rác, dọn rác làm cho đường thêm sạch đẹp đã tốn nhiều công sức, nhưng không ít lần cụ Quý còn phải bỏ tiền túi ra để thuê người vứt rác nặng, đó là vật liệu xây dựng, phế thải, gạch gói, giường, tủ hỏng mà một số nhà tiện hất ngay ra đường.

Mỗi lần đi quét rác, cụ Quý tiện tay nhặt nhạnh những đồ phế liệu, những cái bao bì, vỏ lon, thùng giấy đem về bán lại cho những người bán đồ đồng nát, dành dụm tiền đem tặng những người có hoàn cảnh khó khăn. Thấy trong tổ dân phố có trường hợp nào bị ốm đau, bệnh tật là cụ đi thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ bằng mọi cách. Với những người già neo đơn, con cái đi làm xa không có điều kiện về, cụ liên tục đến động viên. Trong những năm tháng tự nguyện làm người lao công của khu phố, món quà quý nhất đối với cụ Quý là những lời động viên của tất cả mọi người. Mỗi lời động viên là động lực để cụ tiếp tục làm tốt công việc vì cộng đồng, xã hội.

“5 giờ sáng, nghe tiếng chổi là tôi biết ngay cụ Quý đi quét rác. Nhà tôi gần khu tập kết rác, trước đây thường xuyên phải chịu cảnh rác bốc mùi hôi thối. Nhưng bây giờ thì không còn nữa, cứ xe rác đi qua là sạch sẽ ngay. Nhờ có cụ Quý mà cả con đường phong quang hơn, sạch sẽ hơn.” – Bà Nguyễn Thị Thái Hà, tổ 24, đường Nguyễn An Ninh

Theo KTĐT


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bà lao công của khu phố
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.