(Moitruong.net.vn) – Ngày 15/5 vừa qua, tại thành phố Bắc Giang, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị công bố trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trong nước và nước ngoài cho một số sản phẩm nông sản của tỉnh.
Hội nghị công bố trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trong nước và nước ngoài cho một số sản phẩm nông sản
Tham dự Hội nghị có ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo một số cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, cùng đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố và một số doanh nghiệp, HTX sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, hiện nay, tỉnh Bắc Giang có 1.349 đơn đăng ký nông sản bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Trong đó có 683 Đơn được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 01 chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn; 04 nhãn hiệu chứng nhận cho gà đồi Yên Thế, bưởi Hiệp Hòa, miến dong Sơn Động và chè Yên Thế; 41 nhãn hiệu tập thể; 637 nhãn hiệu thông thường.
Hội nghị đã công bố và trao văn bằng bảo hộ trong nước cho 04 sản phẩm đó là: Rau sạch Yên Dũng, vú sữa Tân Yên, chè Yên Thế và bưởi Hiệp Hòa. Đặc biệt, ngoài việc được bảo hộ trong nước, 04 sản phẩm nông sản của Bắc Giang đã được bảo hộ ở nước ngoài gồm: Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ tại 08 Quốc gia (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Mỹ, Australia và Singapore); mỳ Chũ được bảo hộ tại 05 Quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia); mỳ Kế được bảo hộ tại 05 Quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Thái Lan) và gà đồi Yên Thế được bảo hộ tại 03 Quốc gia (Lào, Trung Quốc, Singapore).
Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm chỉ là bước đầu, tới đây các cấp, các ngành, đơn vị, người sản xuất phải nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để giữ vững, phát huy giá trị thương hiệu mới là quan trọng. Dùng khoa học – công nghệ để thúc đẩy giá trị mỗi sản phẩm. Đồng chí đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang chủ động tham mưu UBND tỉnh lựa chọn những sản phẩm chủ lực, đặc trưng, từ đó đưa ra những nhiệm vụ cụ thể để tập trung nghiên cứu hỗ trợ cho sản phẩm phát triển. Nếu địa phương không đủ nguồn lực thì báo cáo, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để đưa vào các chương trình hỗ trợ. Khi đã lựa chọn được sản phẩm chủ lực, ngành chức năng cần đi sâu vào từng khía cạnh để giải quyết vấn đề thông qua khoa học và công nghệ như giống, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu đưa ra thị trường. Theo Thứ trưởng, chỉ có bằng cách đó, việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước mới phát triển bền vững.
Cũng trong khôn khổ Hội nghị, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang tổ chức gian trưng bày triển lãm các sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp của tỉnh đã được bảo hộ nhãn hiệu trong và ngoài nước, thu hút nhiều đại biểu, khách mời tới tham quan và thử nghiệm các sản phẩm.
Dương Đại Tiến