Bài toán nan giải xử lý úng ngập ở khu vực phía Tây Nam TP Hà Nội

Ngọc Lan (T/H)|30/08/2018 03:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vỡ đập tại Myanmar: Hơn 54.000 người dân phải sơ tán

(Moitruong.net.vn) – Cứ mỗi khi trời mưa là tình trạng ngập lụt diễn ra, đặc biệt tại các khu đô thị phía Tây Nam TP Hà Nội, gây bức xúc cho người dân.

Khu đô thị Geleximco – Lê Trọng Tấn cứ mưa to là ngập. Ảnh: Tú Anh/Hà Nội Mới

Mưa là… ngập

Những năm gần đây, tốc độ phát triển đô thị ở khu vực phía tây Hà Nội diễn ra nhanh chóng, khiến cho bộ mặt đô thị biến đổi từng ngày. Nhiều khu đô thị có cảnh quan, kiến trúc đẹp, mang đến không gian sống văn minh, hiện đại cho người dân.

Thế nhưng, sau những trận mưa lớn, cư dân ở đây phải chịu đựng tình trạng ngập lụt. Ðiển hình cho tình trạng này là các khu đô thị nằm hai bên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Ðông), Ðại lộ Thăng Long… Mỗi khi mưa lớn, dân cư sống ở Khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Ðức) lại khổ sở vì bị cô lập với các tuyến đường chung quanh, bởi nước ngập sâu các lối ra vào.

Trận mưa lớn kéo dài cuối tháng 7 vừa qua đã khiến “làng biệt thự triệu đô” với hàng loạt dãy nhà liền kề, biệt thự thuộc Khu đô thị Lê Trọng Tấn – Geleximco (trên địa bàn huyện Hoài Đức và quận Hà Đông) bị ngập nặng. Đường phố biến thành sông.

Chia sẻ trên tờ Hà Nội Mới, anh Nguyễn Duy Tuấn, cư dân sống tại khu A – Khu đô thị Lê Trọng Tấn – Geleximco – chia sẻ: “Nước ngập tràn qua vỉa hè, chảy vào gara, làm ô tô của một số gia đình hỏng nặng. Nhiều hộ, đồ đạc, nhất là thiết bị điện gần như phải thay lại toàn bộ. Năm nào ở đây cũng ngập vài lần, nên cứ nghe dự báo có mưa, có bão, cư dân lại nơm nớp…”.

Thậm chí sau đợt đó, lo sợ ảnh hưởng của cơn bão số 4 giữa tháng 8, Ban quản lý Khu đô thị Lê Trọng Tấn – Geleximco đã hỏa tốc thông báo đề nghị các hộ dân đưa toàn bộ tài sản, vật dụng từ tầng hầm lên các tầng cao để tránh hư hỏng.

Đồng thời, đề nghị cư dân chuẩn bị máy bơm, máy phát điện, file chắn nước tầng hầm (nếu có) để bơm nước và xử lý kịp thời trong trường hợp nước tràn vào hầm… Ngoài ra, Ban quản lý còn chuẩn bị 6 máy bơm và hàng trăm bao cát phát miễn phí cho các hộ dân có tầng hầm để chủ động “be bờ” ngăn nước tràn vào nhà.

Thực tế, không riêng gì “làng biệt thự triệu đô” Lê Trọng Tấn – Geleximco, tình trạng úng ngập do mưa, bão, nhất là sau cơn bão số 3 vừa qua, cũng xảy ra tại nhiều đoạn đường, khu vực dân cư, khu đô thị ở phía Tây Nam Hà Nội như: Thăng Long Victory, Nam và Bắc An Khánh, các hầm chui dân sinh đoạn qua Thiên đường Bảo Sơn, An Khánh (ven đại lộ Thăng Long), Vinaconex3, Dương Nội, An Hưng (ven đường Lê Văn Lương kéo dài)…

Kết cấu hạ tầng “lơ là”

Theo quy định, các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở phải được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình nhà ở và các công trình kiến trúc khác. Song không ít chủ đầu tư chỉ quan tâm xây dựng nhà ở để bán, lơ là việc xây dựng kết cấu hạ tầng.

Khu đô thị nằm trên trục đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Ðông ngập sâu trong nước sau trận mưa lớn ngày 13/7/2017. Ảnh: Ngọc Thành/Nhân Dân

Chia sẻ trên tờ Hà Nội Mới, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho rằng: “Khi phê duyệt dự án, cơ quan có thẩm quyền đã xem xét các phương án đấu nối hạ tầng. Để được phê duyệt, phải có thỏa thuận đấu nối cấp thoát nước, điện, viễn thông”.

Tuy nhiên, đầu năm nay khi đi kiểm tra các khu đô thị trên địa bàn quận Hà Đông, đặc biệt các khu đô thị từng bị ngập nặng năm ngoái, công ty đã phát hiện một số khu đô thị chưa đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống chung của thành phố, trong khi đây là trách nhiệm của chủ đầu tư.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phân tích trên tờ Nhân Dân, quy hoạch đô thị chia theo địa bàn với tư duy quy hoạch manh mún, quá trình triển khai chắp vá dẫn đến việc không thể giải quyết triệt để vấn đề của một đô thị với hàng triệu dân.

Nền của các khu đô thị mỗi nơi một mức, nên nước sẽ chảy từ khu này sang khu kia. Quy luật thoát nước của TP Hà Nội dựa trên địa hình tự nhiên là từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, nhưng kịch bản để vận dụng dòng chảy tự nhiên một cách hiệu quả thì chưa có.

TP Hà Nội cần phải có một chiến lược thoát nước bài bản, có kiểm soát. Nếu không, các khu đô thị sẽ phải đối mặt với vấn đề ngập úng lâu dài.

Trong Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, những bất cập trong công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng nêu trên đã được đề ra kế hoạch khắc phục; vấn đề chỉ còn nằm ở tiến độ triển khai thực hiện.

Cụ thể như: Phân vùng tiêu thoát nước, xác định các lưu vực, tiểu lưu vực thoát nước mưa và các trạm bơm tiêu chính cho khu vực; mạng lưới thoát nước được quy hoạch về hướng tuyến, quy mô theo từng lưu vực, tiểu lưu vực và sẽ được tính toán cụ thể trong giai đoạn lập các dự án đầu tư nhằm bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế; tiêu chí thoát nước là phát huy tối đa khả năng thoát nước mưa bằng tự chảy, tăng diện tích thấm nước mưa, bố trí hệ thống công trình trữ và chứa nước hợp lý nhằm điều hòa nước mưa, kết hợp cùng với giải pháp bơm thoát nước cưỡng bức phù hợp; hạn chế chuyển đổi diện tích mặt nước hiện có sang mục đích khác.

Ðối với các khu đô thị mới, ngoài hệ thống thoát nước chung hiện có, phải xây dựng hệ thống thoát nước riêng đồng bộ với phát triển hạ tầng đô thị bao gồm mạng lưới thoát nước mưa, kênh mương, hồ điều hòa, trạm bơm và các công trình thoát nước tại chỗ (như thấm, trữ nước mưa); nước mưa được thoát ra sông, kênh, hồ…

Giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực sông Nhuệ, dự án thoát nước quận Hà Ðông, dự án cải tạo chống ô nhiễm các hồ nội thành, xây dựng một loạt trạm bơm phục vụ thoát nước các tiểu lưu vực: Nam Thăng Long, Cổ Nhuế, Mỹ Ðình, Mễ Trì, Ba Xã, Tả Thanh Oai và các nhà máy xử lý nước thải tập trung: Yên Xá, Phú Ðô, Tây sông Nhuệ, Phú Thượng để bảo đảm môi trường và thoát nước cho các quận Cầu Giấy, Hà Ðông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì…

Như vậy, nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị mới đã rõ. Mong rằng thành phố đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng phù hợp với quy hoạch và thực tế đô thị; đồng thời tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, bảo đảm phát triển đô thị bền vững.

Ngọc Lan (T/H)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bài toán nan giải xử lý úng ngập ở khu vực phía Tây Nam TP Hà Nội
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.