Bàn luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay: Bản lĩnh và trí tuệ

Hoàng Anh|10/06/2021 11:07
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/05/2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Bài viết khẳng định: Độc lập dân tộc (ĐLDT) gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH) là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này đã phản ánh đúng lý luận, thực tiễn và cả những vấn đề đặt ra cần phải tiếp tục giải quyết đối với cách mạng Việt Nam.

Nhận thức sâu sắc hơn con đường đi lên CNXH ở nước ta

Tìm hiểu chìa khóa, nguồn cội tạo nên sức mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, giúp Đảng ta vượt qua bao khó khăn, thử thách, giữ vững tay chèo, kiên định mục tiêu, lý tưởng, con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn. Chìa khóa, nguồn cội để Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo tiến hành sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu vĩ đại, để đến hôm nay, chúng ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín chưa từng có trong lịch sử. Câu trả lời đó chính là bản lĩnh, trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập và rèn luyện, một Đảng trung thành với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, một Đảng không hoang mang giao động trước những biến cố của thời cuộc, đứng vững trước những khó khăn gian khổ, hi sinh to lớn tưởng chừng không thể vượt qua. Đảng đó là Đảng của Bác Hồ, Đảng của dân tộc ta, Đảng của nhân dân ta và thời đại. Đảng đó phải biết vượt lên chính mình, trong thuận lợi cũng như khó khăn, “có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” .

Với lịch sử cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, Đảng ta đã tôi luyện bản lĩnh để vượt lên chính mình, khắc phục những “điểm nghẽn” của thời đại, đã sớm khắc phục những hạn chế, tìm ra được con đường đi đúng đắn, sát hợp với đòi hỏi cấp bách của cách mạng Việt Nam và tiến lên giành thắng lợi.

Độc lập dân tộc (ĐLDT) gắn liền với CNXH là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Với bản Cương lĩnh chính trị đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng tháng 2/1930. Đây là bản cương lĩnh đã “vượt qua” tư duy giáo điều đang phổ biến trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế thời kỳ bấy giờ. Bản cương lĩnh đó xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của xã hội thuộc địa nửa phong kiến của Việt Nam, là sự kết hợp hài hòa mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ giai cấp trong một cuộc cách mạng tư sản dân quyền kiểu mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam, với mục tiêu giành độc lập dân tộc rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong khi khói lửa chiến tranh thế giới thứ 2 đang đe dọa hủy diệt loài người, thì ở Việt Nam, chính sách cai trị bóc lột tận xương tủy của Đế quốc, Phát xít xâm lược đã đẩy mẫu thuẫn dân tộc giữa các tầng lớp nhân dân ta với bọn xâm lược lên cao hơn bao giờ hết. Xuất phát từ đòi hỏi cấp bách của thực tiễn cùng với những bước trưởng thành vượt bậc về lý luận, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ, mục tiêu trước mắt của cách mạng Việt Nam lúc này là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn nǎm cũng không đòi lại được”. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân ta đã biến “nguy” thành “cơ”, đã biến chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít thành cơ hội giành độc lập dân tộc. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời từ một cuộc cách mạng long trời lở đất mà Đảng ta và nhân dân ta giành thắng lợi, cách mạng tháng 8 năm 1945.

Công cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước kéo dài 30 năm từ núi rừng Việt Bắc đến Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, từ phong trào Đồng Khởi năm 1960 rồi tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 và đỉnh cao chói lọi Mùa xuân lịch sử năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, cả nước quá độ đi lên CNXH; từ Hội nghị Phôngtennơblô (ở Pháp năm 1946) đến Hội nghị Giơnevơ (ở Thụy sỹ năm 1954) rồi đỉnh cao là Hội nghị Paris năm 1973 buộc Đế quốc Mỹ phải rút quân hoàn toàn khỏi Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Mỗi chiến thắng bước ngoặt đó đều là mỗi lần Đảng chứng tỏ bản lĩnh, trí tuệ, chứng tỏ tư duy độc lập, sáng tạo trong trong lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Bản lĩnh đó đã giúp chúng ta vượt qua được những hạn chế của thời cuộc, sự vị kỷ của một số nước lớn; trí tuệ đó đã giúp chúng ta vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trí tuệ đó là hội tụ sức mạnh dân tộc với truyền thống hàng ngàn năm lịch sử, kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; bản lĩnh, trí tuệ đó đã giúp chúng ta đánh bại những kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất thế giới để giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Trong con mắt của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, cách mạng Việt Nam chúng ta là phẩm giá và lương tri của nhân loại…

Trong bài viết, đồng chí Tổng Bí thư đưa ra hai xu hướng xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa xã hội từ sự khủng hoảng và sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu:

Một là, những người không có lập trường tư tưởng vững vàng nên khi sự kiện “chấn động toàn thế giới” xảy ra thì tỏ rõ sự hoang mang, hoài nghi về tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội, đồng nhất sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô với sai lầm của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn cho thấy xu hướng này xảy ra trong chính bản thân những người mácxít – những người đã từng tôn thờ chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội.

Hai là, những đối tượng có lập trường phi mácxít, có tư tưởng chống phá nên đã vin vào sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là một bằng chứng không gì thuyết phục để phủ nhận, bác bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, bác bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của loài người. Thực tiễn cho thấy xu hướng này chiếm đa số, trở thành làn sóng chống Mác, đòi xét lại chủ nghĩa Mác. Điển hình cho xu hướng này là trường phái trotskyist mới. Họ cho rằng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là một tất yếu lịch sử vì nó bắt nguồn từ “sự lạc hậu, lỗi thời của bản thân chủ nghĩa Mác – Lênin”; và bởi, “chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được”(2). Họ cũng cho rằng chủ nghĩa xã hội khoa học mà các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã xây dựng chỉ là một học thuyết “viển vông”, “ảo tưởng” nên áp dụng vào thực tiễn chỉ có thể sinh ra những “quái thai của lịch sử”(3)… Những luận điệu đó được tung ra khắp nơi trên thế giới với các hình thức, diễn đàn khác nhau nhằm phủ nhận bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Xuất phát từ lập luận đó, họ cho rằng hiện nay “Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế, mà còn về tinh thần. Không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa”(4); rằng, “con đường xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang đi là trái với quá trình lịch sử – tự nhiên”; hay đó chính là “một khúc cong của lịch sử, là đoạn vòng vèo đầy đau khổ đi lên chủ nghĩa tư bản”(5). Do đó, theo họ, Việt Nam cần “tránh chỗ tối, tìm chỗ sáng”, “tránh con đường đau khổ” mà một số nước đã đi qua để đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Chính những sự xuyên tạc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến lập trường, quan điểm của những người theo chủ nghĩa Mác. Biểu hiện rõ ràng nhất là xu hướng “phi mácxit hóa”, phân rã về tư tưởng, ly khai với học thuyết Mác – Lênin trỗi dậy mạnh tại hàng loạt nước từng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, cũng như trong nội bộ các đảng cộng sản, các đảng xã hội chủ nghĩa và phong trào công nhân quốc tế. Hiện nay, mặc dù sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu đã diễn ra gần 30 năm nhưng các phần tử cơ hội, phản động, xét lại vẫn coi đây là một cái cớ không gì thuyết phục hơn để tiếp tục phủ nhận chủ nghĩa Mác nói chung lý luận về chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mác nói riêng.

Ở Việt Nam, từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, có không ít người, trong đó có cả những người cộng sản đã hoài nghi về sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đã xuất hiện những tư tưởng cơ hội đòi xét lại chủ nghĩa Mác, phủ nhận sự lựa chọn của Đảng Cộng sản Việt Nam vì họ cho rằng khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã sụp đổ nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa là một sự “kéo lùi lịch sử”, không tuân theo quy luật mà C.Mác đã từng khẳng định: sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử – tự nhiên.

Như vậy, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là một cái cớ không gì thuyết phục hơn để các học giả phương Tây nắm lấy để công kích, xuyên tạc, lý luận của chủ nghĩa Mác về chủ nghĩa xã hội. Điều này gây ra sự dao động, hoài nghi của không ít người Việt Nam, trong đó có cả những người đã từng đi theo chủ nghĩa Mác, ủng hộ, thậm chí tôn thờ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Đó là biểu hiện của xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ mà Đảng ta luôn nhắc đến trong những năm gần đây.

Sức sống mãnh liệt, bước phát triển mới của CNXH Việt Nam

Minh chứng về sức sống, bước phát triển mới của CNXH ở Việt Nam, Tổng Bí thư khẳng định, quá trình xây dựng CNXH của nước ta, nhất là trong 35 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1). Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Đó là minh chứng sống động nhất, thuyết phục nhất, thể hiện niềm tin, quyết tâm của mỗi người dân Việt Nam vào Đảng, vào chế độ, vào con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Sức sống mãnh liệt của CNXH ở Việt Nam được thể hiện thông qua tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống. Đây chính là hiện thực khách quan phản bác quan điểm sai trái, thù địch cho rằng CNXH Việt Nam là cứng nhắc, giáo điều, không sáng tạo và đổi mới để phát triển.

Toàn bộ bài viết của Tổng Bí thư thể hiện trí tuệ, tư duy khoa học, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, một lần nữa khẳng định sự lựa chọn đúng đắn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam; cổ vũ, động viên ý chí, tinh thần, khát vọng để xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hoàng Anh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bàn luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay: Bản lĩnh và trí tuệ