Tài nguyên và phát triển

Báo động tình trạng đất nông nghiệp ở Việt Nam bị suy thoái nghiêm trọng

Minh An 22/10/2024 08:30

Hiện hàm lượng hữu cơ trong đất canh tác ở nhiều vùng nước ta đã giảm xuống dưới 1%, hàm lượng các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng như đạm, lân, kali trong đất đều ở mức nghèo kiệt.

Theo Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" vừa mới được Bộ NN&PTNT thông qua, chất lượng đất nông nghiệp ở nước ta đã ở mức báo động, sức khỏe đất đã đến mức suy kiệt nếu không có biện pháp quản lý và khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực trong tương lai. Do đất nông nghiệp nước ta phân bố trên các vùng sinh thái với các dạng địa hình, cơ cấu cây trồng và chế độ canh tác khác nhau nên chất lượng đất cũng đã thay đổi theo nhiều hướng khác nhau.

dat-nong-nghiep.jpg
Ảnh minh họa

Đối với đất sản xuất nông nghiệp trên các vùng đồi núi, đất dốc thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, các nghiên cứu cho thấy hàm lượng hữu cơ trong đất canh tác nhiều vùng đã giảm xuống dưới 1,0%, hàm lượng các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng như đạm, lân dễ tiêu và kali dễ tiêu trong đất đều ở mức nghèo kiệt. Các nguyên tố trung lượng như canxi, magie đều suy giảm mạnh, dao động từ 1,0-1,2 cmol/kg đất. Thành phần cơ giới của lớp đất mặt cũng bị thay đổi, tỷ lệ sỏi sạn tăng cao do các hạt mịn đã bị rửa trôi trong mùa mưa, độ chua của đất tăng lên thể hiện qua giá trị pH đất chỉ dao động từ 4,2-5,0, thậm chí còn giảm thấp hơn xuống 3,8-4,0. Những thay đổi này đã diễn ra hàng thập kỷ, ảnh hưởng rất rõ đến năng suất cây trồng ở các địa phương song đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù cộng đồng khoa học đã có những cảnh báo về nguy cơ suy thoái đất và tính bền vững của sản xuất nông nghiệp trên đất dốc từ những năm 90s của thập kỷ trước.

Đối với đất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng cũng có những thay đổi. Phù sa bồi đắp hàng năm không còn đối với vùng hạ du do các công trình thủy điện ở thượng nguồn, hệ số sử dụng đất tăng cao, thời gian đất nghỉ ngắn, phân hữu cơ sử dụng trong sản xuất thiếu hụt nghiêm trọng, thay vào đó là các loại phân hóa học đã làm cho hàm lượng các-bon hữu cơ trong đất bị suy giảm đáng kể, tỷ lệ C/N trung bình chỉ dao động từ 8-10, đất bị chai cứng, mất kết cấu, dung tích hấp thu giảm. Bên cạnh đó chất lượng đất canh tác vùng ĐBSH còn bị ảnh hưởng bởi các nguồn ô nhiễm do tác động xả thải từ các làng nghề, khu công nghiệp...

Đối với đất vùng Tây Nguyên nơi trồng các loại cây công nghiệp có giá trị như cà phê và hồ tiêu, chất lượng đất cũng đã có những thay đổi theo chiều hướng bất lợi, hàm lượng các-bon hữu cơ trong đất trung bình từ 1,2-2,5% thấp hơn rất nhiều so với đất rừng tự nhiên 5,14%; pH đất trồng cà phê và hồ tiêu dao động từ 3,1-4,6 trong khi đó ở đất rừng tự nhiên là 5,6. Hàm lượng lân và kali dễ tiêu trong đất đỏ trồng cà phê và hồ tiêu đều tích lũy ở mức khá cao gấp 7-10 lần hàm lượng lưu huỳnh trong đất cũng tích lũy ở mức cao gấp nhiều lần so với đất rừng tự nhiên. Ngược lại dung tích hấp thu của đất trồng cà phê và hồ tiêu chỉ dao động từ 7-14 lđl/100 gam đất, trong khi đó ở đất rừng tự nhiên là 20 lđl/100 gam đất. Hàm lượng lân và kali trong đất tích lũy ở mức cao là do phân bón hóa học đã sử dụng ở mức cao và bón liên tục qua nhiều năm.

Đối với đất sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long, nguyên nhân làm giảm độ phì nhiêu là do canh tác độc canh 3 vụ lúa/năm nhiều năm liên tục. Cây lúa lấy từ đất hơn 14 nguyên tố dinh dưỡng theo sản phẩm thu hoạch, nhưng tập quán nông dân chỉ bón phân đa lượng NPK, dẫn đến đất bị bạc màu, mất cân đối dinh dưỡng, thiếu trung, vi lượng và chất hữu cơ. Biện pháp canh tác chưa phù hợp như làm đất bằng cách xới cạn, trục nhận (thay vì cày ải, cày vùi) dẫn đến tầng canh tác cạn, ruộng dễ bị ngộ độc hữu cơ. Ruộng thường xuyên bị ngập nước cùng với rơm rạ chưa xử lý được trục nhận vào đất khiến ngộ độc hữu cơ có thể xảy ra từ giai đoạn mạ, đẻ nhánh (do rơm rạ) đến làm đòng (do đất bị yếm khí). Ngoài ra việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã làm thay đổi đáng kể về tính chất vật lý đất, độ chặt tăng lên, độ xốp giảm, khả năng giữ nước của đất ngày một kém đi.

Nhìn chung, chất lượng đất nông nghiệp ở nước ta có những thay đổi rất rõ, và theo các chiều hướng khác nhau, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên các vùng đất dốc được xem là có nguy cơ bị suy thoái nhanh song cho đến hiện nay chưa có chương trình, dự án nào về chất lượng đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được tiến hành định kỳ một cách hệ thống ngoại trừ việc đánh giá đất ở một số tỉnh mang tính đơn lẻ, không liên tục. Đây là một trong những hạn chế trong quản lý chất lượng và sức khỏe đất phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trước thực tế ấy, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án "Nâng cao sức khoẻ đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.

Mục tiêu của đề án là ổn định, nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả, hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt. Từ đó góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đề án đề ra nhiều giải pháp như tiến hành thống nhất hệ thống phân loại đất phục vụ sản xuất trồng trọt với bộ chỉ tiêu chất lượng đặc trưng được số hóa; thành lập mạng lưới liên kết phòng phân tích (VINASOLAN) đủ năng lực đánh giá chất lượng đất và phân bón và kết nối được với mạng lưới phòng phân tích đất, phân bón trong khu vực và trên thế giới.

Cùng với đó là phải lập các dự án về xây dựng cơ sở dữ liệu đất và phân bón dạng “ngân hàng kiến thức” mở, tích hợp được với bản đồ dinh dưỡng đất và bản đồ chất lượng đất cho các cây trồng chủ lực trên các loại đất chính.

Tiếp đó là xây dựng bộ chỉ tiêu và phân cấp chỉ tiêu đánh giá sức khỏe đất trồng trọt cho các cây trồng chủ lực trên các loại đất chính. Xây dựng các mô hình canh tác tổng hợp ổn định, duy trì và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt vùng thâm canh.

Các dự án về phát triển những loại phân bón có hiệu quả sử dụng cao; điều tra, đánh giá, phân lập và phát triển các chủng vi sinh vật có ích… cũng phải tính đến.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Báo động tình trạng đất nông nghiệp ở Việt Nam bị suy thoái nghiêm trọng