Bảo vệ vùng đất ngập nước – Phát triển bền vững đa dạng sinh học

Lê Mai (t/h)|13/02/2020 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Những vùng đất ngập nước, ngôi nhà của hàng nghìn loài sinh vật, góp phần quan trọng giúp cân bằng sinh thái là nguồn sống của hàng triệu người.

Với khoảng 12 triệu hécta, phân bố trên tất cả các vùng sinh thái, vùng đất ngập nước ở Việt Nam đang góp phần quan trọng giúp cân bằng sinh thái, “cái nôi” sinh tồn của hàng nghìn loài sinh vật, và là nguồn sống của hàng triệu người dân.

Vậy nhưng, các vùng đất ngập nước cũng đang ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi các hoạt động phát triển kinh tế của con người và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhiều vùng đất ngập nước đã bị biến mất, hay thu hẹp diện tích do sức ép khai thác, sử dụng đất ngập nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên gia tăng.

Do đó, Bộ TN&MT đã có dự thảo đề xuất mục tiêu đến năm 2025 sẽ phục hồi ít nhất 10% diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu suy thoái; thành lập được 5 khu bảo tồn đất ngập nước và đề cử thành công 3 khu Ramsar…

Trong năm 2025, dự thảo đặt ra mục tiêu kiện toàn hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức quản lý và cơ chế phối hợp liên ngành cấp trung ương và địa phương về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Tăng cường năng lực quản lý đất ngập nước ở cấp trung ương và địa phương về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam; Hoàn thành việc kiểm kê, phân loại đất ngập nước Việt Nam và lồng ghép cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học, dữ liệu kiểm kê đất đai.

Hồ Ba Bể là khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam.

Để triển khai Kế hoạch này, Bộ TN&MT đề xuất 8 chương trình hành động, từ hoàn thiện pháp luật đến triển khai cụ thể các mô hình. Đó là: Kiện toàn hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về quản lý đất ngập nước; Thống kê, kiểm kê; điều tra, đánh giá, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước; quan trắc, theo dõi diễn biến các vùng đất ngập nước quan trọng; Thành lập mới các khu bảo tồn đất ngập nước và mở rộng Mạng lưới các khu Ramsar ở Việt Nam.

Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý và khuyến khích sử dụng bền vững tài nguyên vùng đất ngập nước quan trọng; Phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái; Tăng cường thực hiện Công ước Ramsar và thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học – công nghệ về đất ngập nước.

Đặc biệt, đến năm 2030 phục hồi 25% và đảm bảo tất cả các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được tổ chức quản lý, bảo tồn và sử dụng khôn khéo; Các mô hình phối hợp quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên và dịch vụ môi trường được áp dụng ở các khu bảo tồn đất ngập nước; đảm bảo nguồn tài chính cho quản lý các vùng đất ngập nước.

Đất ngập nước còn có khả năng dự trữ cácbon, điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu, hạn chế lũ lụt, là nơi lắng đọng phù sa, hình thành đất và tham gia tích cực trong vòng tuần hoàn các chất dinh dưỡng của hệ sinh thái toàn cầu. Đất ngập nước cũng là “cái nôi” quan trọng của đa dạng sinh học; bảo vệ, giảm thiểu tác động của bão, nhất là các hệ sinh thái rừng ngập mặn là tấm chắn bảo vệ vùng ven biển…

Theo số liệu thống kê, các vùng đất ngập nước đã cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2017. Khoảng 20 triệu người dân Việt Nam có thu nhập chính hoặc thu nhập một phần từ tài nguyên thủy sản và đang khai thác, sử dụng trên 300 loài hải sản và trên 50 loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế.

Trong những năm gần đây, giá trị của đất ngập nước được khai thác mạnh cho phát triển ngành du lịch như đảo Cát Bà, Côn Đảo, Phong Nha – Kẻ Bàng, Cần Giờ, Ba Bể, Tràm Chim,… là những điểm thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước.

Ngoài ra, đất ngập nước còn có giá trị về văn hóa, xã hội, lịch sử. Chính đất ngập nước là cội nguồn của nền văn minh lúa nước gắn với đời sống văn hóa, tinh thần và nhiều phong tục của người dân Việt Nam. Đáng chú ý, đất ngập nước còn có giá trị về nghiên cứu khoa học và giáo dục để giúp con người hiểu biết đầy đủ hơn sự vận hành của các hệ thống tự nhiên, góp phần bảo vệ và cải tạo môi trường, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững.

Chính vì lẽ đó, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước là một trong những mục tiêu ưu tiên trong các chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Lê Mai (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ vùng đất ngập nước – Phát triển bền vững đa dạng sinh học