Vườn quốc gia Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên, nơi có hệ sinh thái động - thực vật phong phú, đa dạng ở nước ta và địa hình chủ yếu của Vườn Quốc gia Cúc Phương là núi đá tai mèo (chiếm khoảng 80%) địa hình.
Để nâng cao giá trị đa dạng sinh học, dù khó khăn, vất vả như đi tuần tra rừng, nhưng với những cán bộ đi đặt bẫy ảnh, ngoài vượt núi băng rừng hiểm trở, họ còn phải am hiểu tập tính sinh hoạt của từng loài động vật để tìm được địa hình đặt bẫy cho phù hợp.
Theo anh Nguyễn Huy Quang - Phòng Khoa học hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết: “Đặt để giám sát đa dạng sinh hoạt thì đặt ngẫu nhiên theo lưới trên bản đồ. Còn nếu để giám sát loài, thì tùy loài: ví dụ các loài tầm thấp thì đặt bẫy cách mặt đất 30-50cm, nhưng loài lớn hơn thì đặt cao hơn, để khi nó di chuyển trước máy chụp được ảnh rõ nhất. Hoặc với các loài linh trưởng chẳng hạn, sinh hoạt trên các tán cây hoặc vách đá như vooc, thì mình phải chọn vị trí cao hơn như các cây cao đặt bẫy trên cây để quan sát tốt hơn.”
Bẫy ảnh thực chất là một chiếc máy ảnh, phát ra chùm tia hồng ngoại, khi động vật hoang dã đi qua, bộ phận cảm ứng sẽ ghi nhận và máy ảnh tự động chụp lại. Thường mỗi lần đặt bẫy ảnh ở Vườn Quốc gia Cúc Phương, máy ảnh hoạt động liên tục trong 60 ngày với chế độ chụp, 30 ngày với chế độ quay. Hết một đợt giám sát, những cán bộ này sẽ đi thu bẫy ảnh về.
Trao đổi với phóng viên Moitruong.net.vn, ông Đỗ Tiến Dũng - Trạm trưởng trạm kiểm lâm cơ động thuộc hạt kiểm lâm Cúc Phương cho biết: “Nếu thực sự ai không tâm huyết không làm được vì địa hình Cúc Phương 80% là núi đá vôi, có những điểm vườn định ra đó để đến đặt bẫy ảnh nhưng khi đến đó thì toàn vách núi đá thì bắt buộc anh em phải di chuyển theo tiêu chí trong bẫy ảnh cho phép - xê dịch phạm vi 200m thì để tìm địa hình có khi phải 2-3 tiếng mới tìm đc chỗ đặt bẫy ảnh. Có điểm đặt rất là nguy hiểm và vất vả khi đặt được. Các đường núi đá tai mèo, có những vách đá anh em đu cây để xuống chứ không xuống được.”
Sau mỗi đợt đặt bẫy ảnh, đây là khoảng thời gian hồi hộp nhất với những cán bộ bảo tồn. Xem lại thẻ nhớ của bẫy ảnh và vui mừng ghi nhận sự xuất hiện của động vật hoang dã. Tại Vườn quốc gia Cúc Phương, nhiều loài trước đây thông qua đi điều tra thực địa đã không ghi nhận được trực tiếp, chỉ phát hiện vài dấu vết để lại. Thì với chiếc bẫy ảnh hoạt động 24/24, liên tục 2 tháng, đã mang lại những bằng chứng thuyết phục nhất. Trong 4 năm đặt bẫy ảnh, Vườn đã ghi nhận sự xuất hiện của 17 loài động vật quý hiếm nguy cấp như sơn dương, cầy vòi hương, gà lôi trắng, chồn họng vàng…
Theo ông Lê Trọng Đạt - Phó Giám đốc Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Cúc Phương cho biết: “4 năm không phải thời gian dài, tuy nhiên, so sánh giữa năm đầu tiên áp dụng với năm thứ 4 thì với một số loài tăng từ 5-8%. Đây là dấu hiệu cho thấy là việc quản lý bảo vệ rừng đã tốt hơn các loài động vật đã sinh sôi phát triển hơn, hoặc ít bị áp lực hơn nên xã hội nhiều hơn trong kv nghiên cứu.”
“Anh em đặt bẫy ảnh, sau khi lấy thẻ về xem thì rất chi là xúc động bởi vì là có những loài thực sự mình mới nghe tên thôi chưa gặp bao giờ, chẳng hạn như Sơn dương hoặc hoẵng hoạt động về đêm, anh em rất khó tiếp cận đc. Có lần bẫy ảnh chụp đc cả 1 gia đình nhà hoẵng - đấy là kỉ niệm rất là vui trong công tác điều tra động vật – nhất là chương trình đặt bẫy ảnh.” - Ông Đỗ Tiến Dũng - Trạm trưởng Trạm kiểm lâm cơ động, Hạt kiểm lâm Cúc Phương cho biết
Không chỉ tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, với phương pháp đặt bẫy ảnh, nhiều loài động vật quý hiếm cũng đã được ghi nhận xuất hiện trong tự nhiên. Chẳng hạn, mới đây nhất, tại Vườn Quốc gia Phước Bình, Nình Thuận đã phát hiện quần thể bò tót và nhiều loài trong sách đỏ. Tuy nhiên, đợt nghiên cứu bẫy ảnh toàn diện nhất từng được thực hiện tại Việt Nam cho thấy trong tự nhiên không ghi nhận được hình ảnh của hổ, báo gấm, sói lửa và sao la. Rõ ràng, những kết quả từ bẫy ảnh có ý nghĩa quan trọng để các khu bảo tồn, vườn quốc gia đánh giá chi tiết mức độ đa dạng sinh học, từ đó có biện pháp bảo vệ, bảo tồn hiệu quả nhất.