Theo Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, Dự án xây hồ Lạc Địa kết hợp với khu tái định cư và xây khu di tích Lạc Địa dự kiến đầu tư nguồn kinh phí khoảng 352 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ. Dự án này được triển khai xây dựng trên diện tích hơn 120 ha đất vùng thấp có hiệu quả sản xuất không cao; Trong đó có 60% diện tích là khu hồ trữ nước ngọt, phần còn lại là: Khu đất ở tái định cư; Khu căn cứ cách mạng Bưng Lạc Địa, diện tích cây xanh, đường giao thông.
Hồ Lạc Địa có sức chứa 1,3 triệu m³, có khả năng cung cấp nước sinh hoạt và ăn uống cho gần 60.000 hộ dân trong huyện Ba Tri với 535.900 m³ nước/ ngày; Hỗ trợ nước uống cho 149.700 gia súc, và 600 cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị hành chính… Có thể nói dự án Hồ chứa nước Lạc Địa kết hợp với các công trình kèm theo sẽ tạo bức phá cho khu vực này nhất là thu hút khách tham quan du lịch.
Nằm ở cuối nguồn sông Mekong, Bến Tre là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của tác động biến đổi khí hậu nói chung, và hạn hán xâm nhập mặn nói chung. Đợt hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 tỉnh Bến Tre bị thiệt hại khoảng 1.660 tỉ đồng, hàng trăm ngàn người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất…
Ngoài hồ chứa nước Lạc Địa, trước đó tỉnh Bến Tre cũng đã đầu tư trên 85 tỉ đồng xây dựng hồ chứa nước Kênh Lấp (xã Tân Xuân, xã Phước Ngãi huyện Ba Tri) dài gần 5 km, rộng 40 m -100 m, sức chứa khoảng 800.000 m3 nước ngọt. Cuối năm 2019, hồ Kênh Lấp được hoàn thành đưa vào sử dụng bước đầu đã đáp ứng phục vụ nước ngọt sinh hoạt cho người dân huyện Ba Tri trong mùa hạn mặn.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre khẳng định, việc xây dựng hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp là thành công và mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên vào mùa hạn mặn hồ bị cạn do hạn kéo dài, nắng nóng nước bốc hơi nhanh, cùng với nhu cầu sử dụng nước của người dân rất nhiều…
Minh Châu