Tác phẩm “Tháp” được thiết kế 6 tầng, có nhiều ô cửa sắc màu, mô phỏng ngọn tháp thực ngoài đời. Theo nhà điêu khắc Mai Thu Vân, ở hồ Gươm có nhiều tháp như tháp Rùa, tháp Hòa Phong, nên sự xuất hiện của công trình “Tháp” là để gợi nhắc về lịch sử dân tộc bằng ngôn ngữ hiện đại.
Ngay khi mới xuất hiện, “Tháp” đã thu hút rất nhiều người dân và du khách. Những người tới đây đều tỏ ra thích thú vì được đi sâu vào tác phẩm, ngắm nhìn cảnh vật bờ Hồ Hoàn Kiếm qua lăng kính nhiều sắc màu. Thậm chí, người dân còn phải xếp hàng chờ tới lượt để được đi vào bên trong của ngọn tháp nhiều màu này.
Tác phẩm “Tháp” bốc mùi xú uế nặng nề.
Thế nhưng, chỉ sau vài ngày ra mắt , tác phẩm nghệ thuật này đã bốc mùi xú uế, một số người dân đã tiểu tiện, thậm chí đại tiện, nôn mửa, gây mất vệ sinh bên trong công trình nghệ thuật này. Phía bên ngoài còn xuất hiện dòng chữ nguệch ngoạc: “Đây là mô hình trang trí, không phải nhà vệ sinh!”. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng từng khuyến cáo không được leo trèo lên tác phẩm.
Tòa “Tháp” phát ra mùi khai, gây khó chịu. Người dân và du khách chỉ mới bước vào bên trong đã vội chạy ùa ra ngoài vì mùi hôi thối và khó thở. Những ai di chuyển qua công trình này đều buộc lòng phải bịt mũi, lướt qua thật nhanh, chỉ dám ngó nhìn trong giây lát.
Nhận thấy tác phẩm nghệ thuật công cộng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thành phố Hà Nội đã cho tháo dời. 5 công trình còn lại vẫn được giữ nguyên dọc bờ hồ Hoàn Kiếm.
Mai An (t/h)