Biến chủng đột biến của virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh hơn

Ngọc Ánh (t/h)|13/07/2020 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các nhà khoa học đang theo dõi sát sao một biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 gọi là D614G, được cho là đang lây lan nhanh hơn chủng nguyên bản khởi phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc).

Biến chủng D614G (hay chủng G) của virus SARS-CoV-2 xuất hiện rải rác từ tháng 2/2020. Tuy nhiên, những tháng gần đây, các mẫu bệnh phẩm có sự hiện diện của nó ngày càng tăng trên khắp thế giới.

G614 được xác định lần đầu xuất hiện ở Italy, lây lan nhanh gấp 9 lần so với các chủng trước đó, bao gồm D614. Các nhà khoa học nói rằng G614 dường như đã gần như thay thế hoàn toàn chủng đầu tiên lây tới châu Âu và Mỹ.

Trước ngày 1/3, hơn 90% mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 đều là chủng D. Nhưng từ đó về sau chủng G bắt đầu nổi lên, chiếm đến 67% trong tháng 3, rồi tăng lên 78% từ ngày 1-4 đến ngày 18-5. Đây là giai đoạn tâm dịch COVID-19 chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ.

Ảnh minh họa

Hiện tượng này làm các nhà khoa học quan tâm. Họ chưa hiểu rõ chủng G với đột biến trên gai protein có làm nó dễ lây lan hơn so với chủng D vốn từng phổ biến ở Vũ Hán không, hay sự gia tăng nhanh chóng của nó chỉ là tình cờ.

Nghiên cứu được công bố ngày 11/7 trên Tạp chí Cell, cho thấy biến thể mới dễ lây nhiễm hơn khi nuôi cấy tế bào trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Các nhà khoa học nhận định chủng G nổi lên sau quá trình chọn lọc tự nhiên, theo đó đột biến trên gai giúp virus dễ dàng xâm nhập tế bào người hơn so với các chủng khác. So sánh khả năng nhân bản của chủng G và D trong phòng thí nghiệm, kết quả cho thấy chủng G xâm nhập tế bào gấp 2,6 – 9,3 lần so với chủng D.

Tuy nhiên, đây chưa phải kết luận cuối cùng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chủng G có thể nổi lên chỉ do tình cờ, ví dụ nó lọt vào một cộng đồng dân số có sự kết nối nhiều hơn, tạo ra nhiều sự kiện siêu lây nhiễm.

“Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng lây của virus, ví dụ khả năng rời cơ thể vật chủ, khả năng sống sót ở môi trường bên ngoài cho đến khi tìm được vật chủ mới” – nhà dịch tễ Nathan Grubaugh của Đại học Yale (Mỹ) nhận xét. “Thật may mắn ở giai đoạn này, dường như virus D614G không làm bệnh nặng hơn” -ông cho biết.

Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi các đột biến khác của virus để giúp chống lại dịch COVID-19 ở cấp độ toàn cầu.

Ngọc Ánh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Biến chủng đột biến của virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh hơn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.