– Một vấn đề được mọi người và cả thế giới quan tâm nhất hiện nay là sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển,..hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo. Sự biến đổi có thể là thay đổi thời tiết bình quân hay thay đổi quanh một mức trung bình, có thể giới hạn trong một vùng nhất định hoặc trên toàn Trái Đất. Một vấn đề thật sự đáng lo ngại, đe dọa đến tính mạng con người. Sự biến đổi khí hậu này có thể gây ra những tác hại không hề nhỏ đối với cuộc sống của chúng ta. Để nhận thức được vấn đề quan trọng này với những thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp để giải quyết vấn đề này cần phải đi vào hành động thực tiễn.
Băng tan do trái đất nóng lên
Môi trường sống của con người là một khái niệm rộng. Nó bao gồm tất cả các yếu tố tự nhiên và nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến cuộc sống, sự tồn tại, phát triển của con người và mọi sinh vật trên Trái Đất. Môi trường có hai loại chính: Môi trường tự nhiên và Môi trường xã hội. Môi trường tự nhiên bao gồm các thành phần tự nhiên là địa hình, đất, khí hậu, nước, sinh vật…Môi trường xã hội là tổng thể các mối quan hệ giữa người với người, quan hệ cá nhân với cộng đồng, pháp luật, qui định…
Hiện trạng bây giờ môi trường sống của chúng ta đang bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng: các nhà máy đã và đang thải ra môi trường không khí một nguồn khí cacbonic khổng lồ, các loại hóa chất độc hại, khói bụi xe hơi và các loại động cơ khác… đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, gây nhiều bệnh về đường hô hấp…
Ô nhiễm nguồn nước: hiện nay trên thế giới và đặc biệt là ở Việt Nam chúng ta đang bị ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, nhu cầu về nước uống và trong sinh hoạt ở nhiều vùng đang bị thiếu nghiêm trọng. Số lượng người được sử dụng nước sạch thật sự không nhiều. Không chỉ ô nhiễm không khí và nguồn đất mà còn có cả ô nhiễm nguồn đất: đất đai ngày càng bị thoái hóa, bụi rửa trôi từ rác thải công nghiệp, bệnh viện, rác thải sinh hoạt,…đã làm cho nguồn đất đai bị cạn kiệt, khô cằn, mất chất dinh dưỡng, …Không những vậy hiện nay nhiệt độ Trái Đất ngày một tăng dần đã làm cho các loài sinh vật ở một số nơi không thể tiếp tục sinh tồn hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.
Khi cây cỏ và động vật bị mất đi cũng đồng nghĩa với nguồn lương thực, nhiên liệu, và thu nhập của chúng ta cũng bị mất đi. Và nền kinh tế cũng đang dần bị suy sụp. Các thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra cũng ngày càng tăng theo nhiệt độ Trái Đất
Đất đai suy thoái do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Những cơn bão lớn đã làm mùa màng thất bát, để khống chế dịch phát tán sau mỗi cơn bão lũ cũng cần một số tiền khá lớn. Các tổn thất về kinh tế đã làm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống chúng ta hiện nay, Tất cả các người dân phải chịu cảnh giá thực phẩm và nguyên liệu ngày tăng, ngày giảm. Nhu cầu thực phẩm và cung cấp nước sạch của người dân sau mỗi đợt bão lũ là rất cấp thiết, chi phí để dọn dẹp đống đổ nát sau bão lũ là một chi phí không hề nhỏ.
Nhưng nguyên nhân chính để dẫn đến tình trạng như hiện nay phần lớn là do con người, do ý thức và tính chủ quan chỉ biết lợi ích hiện tại chưa nhận thức và biết hết những tác hại to lớn của tương lai. Trong thời đại thế giới đang phát triển công nghiệp hóa- hiện đại hóa hiện nay thì việc sử dụng những nguồn năng lượng từ hóa chất độc hại, những nguyên liệu hóa thạch ( than, dầu mỏ, khí đốt…) là không thể thiếu. Qua đó đã thải vào khí quyển, bầu không khí mà chúng ta đang hít thở hằng ngày bị ô nhiễm, và ngày càng tăng cao gây hiệu ứng nhà kính và nhiệt độ Trái Đất tăng cao. Không chỉ vậy tình trạng chặt phá cây rừng ở vùng đầu nguồn hay vùng phòng hộ làm diện tích rừng bao phủ bị giảm nghiêm trọng, gây ra biến đổi khí hậu. Luật pháp chưa thực sự nghiêm minh, chưa đủ mạnh để ngăn chặn mọi sự vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Cùng với việc ý thức của con người không tôn trọng pháp luật về vấn đề bảo vệ môi trường. Vì lợi nhuận kinh tế trước mắt mà các công ty, nhà máy, xí nghiệp đã bất chấp pháp luật thải ra môi trường nước thải công nghiệp chưa qua xử lí, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt không phân hủy được. Nhận thức của con người về ô nhiễm môi trường còn rất hạn chế.
Chúng ta cần đưa ra các giải pháp cấp bách và hiệu quả để hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Nhằm khắc phục những nguyên nhân trên chúng ta cần phải hiểu, có cái nhìn sâu xa hơn và nhận thức thật sự đúng đắn về lợi ích cũng như những tác hại nó. Và cũng để góp phần ngăn chặn sự biến đổi khí hậu chúng ta nên: Tiết kiệm năng lượng về phương tiện giao thông. Đi bộ, đi xe đạp, sử dụng xe dùng chung hoặc phương tiện giao thông công cộng để tránh gây khói bụi và tiết kiệm được nhiên liệu. Hay ta quản lý và xử lý nước thải hợp vệ sinh và đúng qui định. Các chất thải nông nghiệp, chăn nuôi…tái chế các chất thải này thành nguồn năng lượng có ích cho đời sống. Nên ngăn chăn việc phá rừng mà thay vào đó là trồng thật nhiều cây xanh để ngăn chặn lũ lụt cũng như để ta có một bầu không khí trong lành. Và bằng những hành động thiết thực nhất trong cuộc sống của chúng ta hằng ngày như không xả rác bừa bãi, không vứt rác xuống sông. Cá nhân chúng ta có thể khuyến khích cộng đồng vì sự biến đổi khí hậu tại nơi làm việc và trường học. Khuyến khích những người cùng làm việc và học sinh, sinh viên chấp nhận và thực hiện hành động giảm rác thải, phế thải. Các cơ quan và công ty cùng trao đổi với nhà đầu tư để có các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sự dụng năng lượng tái tạo được. Tiến hành các hoạt động nhằm giảm rác thải và lập kế hoạch cho các giải pháp phù hợp. Một số quốc gia như Thụy Điển, Xin-ga-po… là những đất nước có môi trường xanh-sạch-đẹp nhất thế giới. Chúng ta nên học tập và làm mô hình để áp dụng cho những nơi ở Việt Nam bị ô nhiễm.
Việt Nam và một số nước đang phát triển khác, vấn đề ô nhiễm môi trường đã dẫn đến sự biến đổi khí hậu như hiện nay. Con người chúng ta cần phải nhận thức, thực hiện các giải pháp trên một cách đồng bộ, thường xuyên và ở mọi nơi mọi lúc nhằm khắc phục hậu quả nghiệm trọng của biến đổi khí hậu. Hãy chung tay bảo vệ Trái Đất và cùng hô to khẩu hiệu ‘’ Vì một Trái Đất hoàn toàn không có sự ô nhiễm’’ . Tạo ra một môi trường sống trong lành xanh-sạch-đẹp lâu dài cho con người và cả mọi sinh vật trên Trái Đất.
(Theo Tạp chí Môi trường và Cuộc sống)