Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nin của Ai Cập đang phát triển một dự án biến vỏ tôm khô thành nhựa phân huỷ sinh học, nhằm chế tạo các loại túi thân thiện môi trường.
Các nhà khoa học cho biết, loại nhựa sinh học làm từ vật liệu hữu cơ có khả năng tự phân hủy sử dụng một chất gọi là chitosan có nhiều trong vỏ tôm, côn trùng, tế bào nấm và cánh bướm. Họ sẽ tập trung chiết xuất chitosan từ vỏ tôm vì chúng là chất thải sẵn có trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản.
Dự án này được triển khai trong 2 năm và sau 6 tháng, nhóm nghiên cứu đã có thể tạo ra một nguyên mẫu nhựa mỏng, trong đó có sử dụng một chất được tìm thấy trong vỏ của nhiều loài giáp xác.
Vỏ tôm sau khi mua về được làm sạch, xử lý hoá học sau đó phơi khô trở thành một màng nhựa mỏng. Lớp màng nhựa này sau đó được chế tạo thành những túi nhựa bền tương đương túi nilon thông thường mà lại an toàn với động vật biển nếu ăn phải. Và đây là một phương pháp có khả năng được áp dụng để sản xuất công nghiệp quy mô lớn.
Từ những loài động vật giáp xác như tôm, cua các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra chất chitin, rồi kết hợp với vỏ thực vật chứa nhiều cellulose để có được chất nhựa tổng hợp từ 2 loại vật liệu này.
TS. Nicola Everitt, trưởng nhóm nghiên cứu giải thích: “Bao bì nhựa không phân hủy đang gây ra các vấn đề môi trường và y tế công cộng ở Ai Cập, như ô nhiễm nguồn nước đặc biệt ảnh hưởng đến điều kiện sống của người nghèo”.
Các sản phẩm polyme sinh học tự nhiên được tạo ra từ nguyên liệu thực vật, là lựa chọn “xanh” ngày càng phổ biến, nhưng lại cạnh tranh với cây lương thực về diện tích đất trồng. Do đó, đây không phải là giải pháp khả thi ở Ai Cập. Dự án nghiên cứu mới nhằm mục đích biến đổi vỏ tôm, một phần của vấn đề chất thải quốc gia thành một phần giải pháp.
Nghiên cứu đang được thực hiện để tạo ra vật liệu nanocomposite polyme sinh học mới có khả năng phân hủy, giá cả phải chăng và phù hợp cho túi mua hàng và bao bì thực phẩm.
Chitosan là polyme nhân tạo bắt nguồn từ hợp chất hữu cơ chitin được chiết xuất từ vỏ tôm, ban đầu là bằng cách sử dụng axit (để loại bỏ “xương sống” cacbonat canxi của vỏ giáp xác) và tiếp đến là kiềm (để tạo ra các chuỗi phân tử dài cấu thành polyme sinh học). Các tấm chitosan khô sau đó được hòa tan vào dung dịch và màng polyme được hình thành nhờ có các kỹ thuật xử lý thông thường.
Chitosan là polyme phân hủy sinh học đầy triển vọng, nên đã được lựa chọn sử dụng trong bao bì dược phẩm do nó có tính chất chống vi trùng, kháng khuẩn và tương thích sinh học.
Ngọc Ánh (t/h)