(Moitruong.net.vn) – Bắt đầu công việc trong ngành từ một chuyên viên tập sự, từng bước trưởng thành đến ngày hôm nay. Vì vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà hiểu rõ thuận lợi và khó khăn do thực tiễn đặt ra hiện nay đối với ngành Tài nguyên và Môi trường. Những vấn đề nóng, nổi cộm sẽ được giải quyết như thế nào? Đây cũng là nhiều câu hỏi mà nhân dân quan tâm, mong chờ vào sự chỉ đạo của Bộ trưởng. Nhân dịp ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng được Quốc hội khóa XIII tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã đến chúc mừng và có buổi trao đổi cởi mở, thân tình với Tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về những vấn đề nóng, cấp bách cần xử lý trong giai đoạn tới.
Ông Trần Hồng Hà – Uỷ viên BCH Trung Ương Đảng, Tân Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
MT&CS: Lời đầu tiên xin được chúc mừng Tân Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết cảm xúc khi được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trước hết, tôi xin cảm ơn những lời chúc tốt đẹp và những tình cảm mà Tạp chí đã dành cho tôi. Tôi cảm thấy rất vinh dự nhưng cũng thấy rõ trách nhiệm lớn lao khi được Đảng, Nhà nước, nhân dân tín nhiệm. Cá nhân tôi sẽ cố gắng hết sức mình để không phụ lòng tin của Nhân dân; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, cởi mở, quyết đoán, tích cực cùng các cấp các ngành chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện tốt các nhiệm vụ mục tiêu mà Đại hội toàn quốc lần XII của Đảng, cũng như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đặt ra.
MT&CS: Xin Bộ trưởng cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn tới?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nhiệm vụ ngay trước mắt mà Bộ đang triển khai là tập trung, quyết liệt cùng với các địa phương chỉ đạo thực hiện các giải pháp cấp bách để giải quyết tình hình khô hạn, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên. Bộ đã cử tổ công tác để hỗ trợ kỹ thuật tìm kiếm khai thác nước ngầm và kinh phí cho 08 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, 05 tỉnh khu vực Tây Nguyên để giải quyết ngay nhu cầu nước nước sinh hoạt cho nhân dân vùng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt.
Về lâu dài, vấn đề tài nguyên và môi trường có ý nghĩa quan trọng, có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Tài nguyên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước. Giải quyết tốt vấn đề tài nguyên và môi trường sẽ tạo xung lực cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đảm bảo phát triển bền vững. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp:
Một là, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ trong Chương trình hành động của Bộ để triển khai tổ chức thực hiện. Chú trọng vào việc thể chế hóa những nội dung đổi mới của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng để chủ trương đúng đắn đi vào thực tiễn cuộc sống; rà soát, sửa đổi các chính sách chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu hội nhập, những rào cản, điểm nghẽn để hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường qua đó tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thêm xung lực cho phát triển kinh tế – xã hội; bảo vệ được tài nguyên, môi trường cho phát triển bền vững. Cùng với đó cần nâng cao năng lực phân tích, dự báo; rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đảm bảo tính liên kết, liên vùng, đồng bộ tích hợp với vấn đề biến đổi khí hậu để phát huy được nguồn lực tài nguyên và môi trường đáp ứng được các mục tiêu trước mắt và lâu dài, hài hoà về lợi ích giữa các thế hệ hôm nay và mai sau.
Hai là, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường. Cần phải vào cuộc một cách quyết liệt để cùng với các Bộ, ngành địa phương giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống của nhân dân, những vấn đề hiện nay còn tồn tại hạn chế như vấn đề ô nhiễm, khiếu kiện, lãng phí đất đai, vấn đề nguồn nước, nhũng nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính… Thiết lập cơ chế để tiếp nhận lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả phục vụ. Cần thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của các ngành, các cấp; qua thanh tra, kiểm tra những bất cập về chính sách cần được sửa đổi kịp thời để không còn điểm nghẽn, rào cản ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội.
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính cắt giảm thời gian, chi phí tuân thủ thủ tục, triển khai các giao dịch điện tử trong thực hiện thủ tục, tạo môi trường kinh doanh, công khai, minh bạch, thuận lợi để các thành phần kinh tế tiếp cận với các nguồn lực tài nguyên. Gắn đẩy mạnh cải cách hành chính với nâng cao kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ trong thực thi công vụ, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Bốn là, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, địa phương, cơ sở. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu bảo đảm quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; thúc đẩy hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ yêu cầu ngày càng cao của tình hình thực tiễn.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ hiệu quả công tác quản lý.
Sáu là, mở rộng hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ để giải quyết những thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu trong nước; đặc biệt là sẽ phải phối hợp cùng với các cơ quan liên quan thông qua tiếp cận song phương, đa phương để xây dựng cơ chế chia sẻ nguồn nước xuyên quốc gia, đảm bảo an ninh nguồn nước trong điều kiện nguồn nước xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ và nhu cầu về nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất sẽ tăng nhanh.
Nhà báo Khánh Toàn – Tổng Biên Tập(thứ 2 từ phải sang) cùng lãnh đạo Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đến chúc mừng Tân Bộ trưởng Trần Hồng Hà
MT&CS: Hiện nay, các tỉnh vùng ĐBSCL và Tây Nguyên đang bị hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những giải pháp xử lý và khắc phục vấn đề này ra sao?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Giải quyết vấn đề hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu long và Tây Nguyên hiện nay là mối quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Từ đầu năm 2016, nhiều đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khảo sát thực tế và làm việc với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên để đánh giá tình hình và chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn trong vùng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo đời sống nhân dân, bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại; rà soát điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi đã trực tiếp làm việc, nắm tình hình trên cơ sở đó đã chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia tăng cường công tác dự báo khí tượng, thủy văn, theo dõi sát diễn biến để các địa phương chỉ đạo sản xuất và triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao đề nghị Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ đập thủy điện; giao Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch, Điều tra tài nguyên nước quốc gia cung cấp thông tin, bản đồ, hỗ trợ kỹ thuật tìm kiếm nguồn nước ngọt dưới đất; giao Quỹ bảo vệ môi trường hỗ trợ tài chính 08 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long là Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau và 05 tỉnh Tây Nguyên để giải quyết ngay nhu cầu nước nước sinh hoạt cho nhân dân vùng khô hạn.
Về các giải pháp lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành liên quan sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể:
– Rà soát lại các quy hoạch phát triển, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân vùng sản xuất dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, các nguồn tài nguyên (nước, đất đai), xã hội và xu thế về biến đổi khí hậu của từng tiểu vùng.
– Bổ sung, hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát đối với nguồn nước xuyên biên giới, vận hành các hồ chứa lớn, lưu lượng, mực nước và xâm nhập mặn (đối với ĐBSCL). Thực hiện quy hoạch, tính toán cân bằng tài nguyên nước và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước để phục vụ công tác dự báo diễn biến, chỉ đạo sản xuất và triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời.
– Tiếp tục điều tra tìm kiếm nguồn nước ngọt ở các tầng ngầm sâu, kết hợp với việc xây dựng các công trình cấp nước, trữ nước sinh hoạt để sẵn sàng ứng phó với tình trạng như vừa qua.
– Sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu. Kiểm soát được mức giảm lượng nước ngầm, nước mặt. Bảo vệ tài nguyên nước, khắc phục, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
– Tăng cường năng lực phân tích, dự báo, cảnh báo về biến đổi khí hậu, thiên tai. Đầu tư cho công tác ứng phó BĐKH có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp công trình cứng và công trình mềm.
– Rà soát, điều chỉnh bổ sung một số quy trình vận hành liên hồ chứa cho phù hợp với tình hình thực tế.
– Hợp tác chặt chẽ với các nước trong lưu vực để cùng chia sẻ lợi ích, khai thác sử dụng nguồn nước trên cơ sở các nguyên tắc quốc tế là sử dụng công bằng, hợp lý; không gây hại đáng kể đến các quốc gia khác có chung nguồn nước. Thiết lập cơ chế chia sẻ, trao đổi tiếp nhận thông tin, số liệu về các điều kiện khí tượng, thủy văn, địa chất thủy văn, sinh thái, chất lượng nguồn nước và các thông tin, số liệu về dự báo có liên quan đến nguồn nước liên quốc gia.
MT&CS: Được biết Bộ trưởng sẽ thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết Bản Thoả thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại New York, Mỹ. Theo đánh giá Thỏa thuận này mang lại những thời cơ và thách thức, xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ trong tâm sẽ triển khai để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức từ Thỏa thuận Paris?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thỏa thuận Paris là Thỏa thuận lịch sử thể hiện trách nhiệm nhân loại nhằm cứu Trái Đất trước các tác động của biến đổi khí hậu vì vậy việc ký kết chính thức được tổ chức vào ngày 22 tháng 4 năm 2016 – ngày Mẹ Trái Đất (Mother Earth Day). Để chúng ta có thể tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức, vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vừa từng bước đưa phát triển kinh tế theo hướng bền vững, chúng ta tập trung vào một số giải pháp như sau:
– Chủ động rà soát các cơ chế, chính sách để sửa đổi bổ sung; ban hành những cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với những quy định mới hình thành trên quy mô toàn cầu và khu vực trong tương lai phù hợp với các nội dung của thỏa thuận. Trước mắt, cần sớm ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp để tăng cường thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; có lộ trình phù hợp nhằm tiến tới xóa bỏ các cơ chế, chính sách hỗ trợ giá đối với nhiên liệu hóa thạch kể từ sau năm 2020; thực hiện bù giá đối với các dự án phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tái chế chất thải, sản xuất điện từ chất thải. Nghiên cứu những nội dung của Thỏa thuận, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp theo quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; lồng ghép vào quá trình xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội ngay từ giai đoạn 2016-2020 để chuẩn bị các điều kiện cho giai đoạn sau năm 2020.
Về lâu dài, cần chủ động luật hóa những quy định mang tính ràng buộc của Thỏa thuận vào chính sách, pháp luật của Việt Nam, tiến tới xây dựng Luật biến đổi khí hậu.
– Cần coi chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, các-bon thấp, chống chịu cao là một trong những giải pháp tất yếu để phát triển đất nước nhanh hơn, tốt hơn, tránh được bẫy thu nhập trung bình khi tài nguyên thiên nhiên, nhất là than đá, dầu mỏ còn lại không nhiều và không khuyến khích sử dụng. bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn, rừng ven biển. Cần nhấn mạnh yêu cầu thay đổi hành vi và lối sống của toàn xã hội nhằm vừa chủ động thích nghi, vừa ứng phó hiệu quả, hướng hình thành mô hình sản xuất và thói quen tiêu dùng bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đồng thời hình thành cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó giảm dần thiệt hại về người, tài sản.
– Tăng cường việc tuân thủ, thực thi các quy định của quốc tế và đẩy mạnh triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu. Sớm nghiên cứu xây dựng hệ thống các chỉ tiêu và công cụ phục vụ việc đánh giá, giám sát; thực hiện tốt việc điều phối thống nhất trong hành động và thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu để đảm bảo tính đồng bộ, liên kết vùng để nâng cao hiệu quả trong công tác ứng phó cũng như sử dụng các nguồn lực. Tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội, người dân nhằm đảm bảo tính minh bạch trong triển khai thực hiện.
– Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực phân tích, dự báo về xu hướng, diễn biến tiêu cực của BĐKH, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, sản xuất và tiêu dùng theo hướng phát thải các-bon thấp, thích ứng chủ động, hiệu quả với biến đổi khí hậu. Sớm hình thành và phát triển một số chuyên ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn như vật liệu thông minh với biến đổi khí hậu, chuyển hóa năng lượng, năng lượng tái tạo.
– Phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở cơ chế điều phối thống nhất giải quyết vấn đề liên ngành, liên vùng dựa trên điều kiện tự nhiên, hạn chế phân tán, dàn trải; khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
– Sớm hoàn thành nghiên cứu, thử nghiệm việc phát triển thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon toàn cầu để đa dạng hoá nguồn lực để đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước và đóng góp tự nguyện về tài chính với cộng đồng quốc tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp cận các nguồn tài chính, khoa học, công nghệ để ứng phó với biến đổi khí hậu từ các nước phát triển cho các chương trình, dự án ưu tiên trên các vùng, miền của Việt Nam.
Ngay sau khi phê duyệt Thỏa thuận, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng lộ trình thực hiện Thoả thuận, trong đó ưu tiên xây dựng sớm kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với hướng dẫn chung của Liên hợp quốc, thực hiện hiệu quả hơn nữa các chiến lược, chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu.
MT&CS: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, chúc Bộ trưởng luôn mạnh khoẻ để điều hành Bộ Tài nguyên và Môi trường gặt hái được nhiều thành công!
Theo Khánh Toàn (TC Môi trường và Cuộc sống)