Trong báo cáo gửi tới Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Năm 2021, tiêm chủng vaccine đang được triển khai khẩn trương nhưng cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 chưa có điểm kết thúc, nhiều chủng mới nguy hiểm hơn của virus đã xuất hiện, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực”.
Tại Việt Nam, cả nước hiện ghi nhận tích lũy 2.560 ca mắc, trong đó 1.564 trường hợp lây nhiễm trong nước (61,1%). Với mục tiêu lớn nhất, xuyên suốt là “bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, đưa cuộc sống trở lại bình thường” và tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các cấp các ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia và những hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Theo Bộ Y tế, các cấp, ngành cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tiếp tục chỉ đạo phát triển các hoạt động kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Bộ sẽ chủ động tiếp cận với các nguồn vaccine khác trên thế giới đồng thời tập trung đẩy mạnh nghiên cứu phát triển vaccine trong nước để sớm đưa vào sử dụng trong năm 2022. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các cơ sở y tế và phối hợp với các ngành, các địa phương kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị phòng, chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là thực hiện các biện pháp quản lý người nhập cảnh vào Việt Nam khi nới lỏng các hạn chế trong đi lại quốc tế.
Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành và các địa phương để hướng dẫn thực hiện các biện pháp giám sát phòng chống dịch với người nhập cảnh đảm bảo không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu các biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine”.
“Đây là cuộc chiến chưa từng có trong tiền lệ, tất cả lực lượng y tế đều sẵn sàng tham gia, thậm chí có những người cả tháng không về nhà. Do đặc thù chống dịch nên nhiều nhân viên y tế chịu vất vả, thậm chí có người phải cạo trọc đầu, đóng bỉm để chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, để phục vụ cho công tác phòng chống dịch, cho tới thời điểm hiện tại, chúng ta đã gửi tới người dân khoảng 20 tỷ tin nhắn để khuyến cáo, phòng dịch, có lẽ cũng chẳng có nơi nào như chúng ta. Trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, chúng ta cần tiếp tục chung sống, có giải pháp phù hợp chiến đấu trường kỳ kiểm soát dịch bệnh; đồng thời tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu đề ra…”, ông Long nhấn mạnh.
Do đó, Bộ Y tế kiến nghị tiếp tục thực hiện 5 nguyên tắc phòng chống dịch đã đề ra từ đầu và xuyên suốt các giai đoạn, là “Ngăn chặn-Phát hiện-Cách ly-Khoanh vùng và Dập dịch” theo phương châm 4 tại chỗ; chú trọng vai trò của chính quyền địa phương và phát huy bài học huy động sức dân hoạt động hiệu quả của các tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng.
Bình An