Tập trung sự chú ý của bạn
Tập trung chú ý là một trong những thành phần chính của bộ nhớ. Để thông tin chuyển từ bộ nhớ ngắn hạn sang bộ nhớ dài hạn, bạn cần hết sức tập trung vào thông tin này.
Cố gắng học tập ở một nơi yên tĩnh, các âm thanh ồn ào của ti vi, âm nhạc hoặc các trò chơi sẽ khiến bạn mất tập trung.
Tránh nhồi nhét
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những sinh viên học tập thường xuyên sẽ ghi nhớ tài liệu tốt hơn nhiều so với những người chỉ học lượng kiến thức đó trong một thời gian ngắn.
Cách tổ chức
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng thông tin được tổ chức trong bộ nhớ ở các nhóm có liên quan với nhau. Bạn có thể tận dụng điều này bằng cách sắp xếp các tài liệu bạn đang học. Hãy nhóm các khái niệm và thuật ngữ tương tự lại với nhau hoặc tìm ra nét chính về nội dung bài đọc trong sách giáo khoa để có thể gộp các khái niệm liên quan với nhau.
Sử dụng các thiết bị ghi nhớ
Thiết bị ghi nhớ là một kỹ thuật thường được sử dụng bởi các sinh viên để hỗ trợ trí nhớ. Một đồ vật, một khái niệm gợi nhớ đơn giản là một cách để ghi nhớ thông tin.
Ví dụ: Bạn có thể liên kết một thuật ngữ bạn cần nhớ với một món đồ mà bạn rất quen thuộc. Những người ghi nhớ tốt nhất là những người sử dụng hình ảnh sống động, hài hước hoặc mới lạ.
Nhắc lại
Để nhớ lại thông tin, bạn cần mã hóa những gì bạn đang nghiên cứu vào bộ nhớ dài hạn. Một trong những kỹ thuật mã hóa hiệu quả nhất là sự nhắc lại. Một ví dụ về kỹ thuật này là đọc định nghĩa của một thuật ngữ, nghiên cứu định nghĩa của thuật ngữ đó và sau đó đọc mô tả chi tiết hơn về ý nghĩa của thuật ngữ đó.
Sau khi lặp lại quá trình này một vài lần, bạn sẽ nhận thấy rằng việc nhớ lại thông tin sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Hình tượng hoá khái niệm
Hãy chú ý đến các bức ảnh, biểu đồ và đồ thị khác trong sách giáo khoa của bạn. Vẽ biểu đồ hoặc ghi số liệu bên lề ghi chú của bạn hoặc sử dụng bút đánh dấu với các màu khác nhau để nhóm các ý có liên quan trong tài liệu học tập của bạn.
Đôi khi, ngay cả việc sử dụng các thẻ ghi nhớ theo các thuật ngữ khác nhau mà bạn cần nhớ có thể giúp bạn củng cố thông tin.
Tạo mối liên quan giữa thông tin mới với những điều bạn đã biết
Khi bạn đang nghiên cứu tài liệu mới, hãy dành thời gian suy nghĩ về các thông tin này liên quan đến những kiến thức bạn đã biết như thế nào. Bằng cách thiết lập mối quan hệ giữa các thông tin mới và các điều đã biết từ trước, bạn có thể tăng đáng kể khả năng nhớ lại các kiến thức đã học gần đây.
Đọc to
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đọc tài liệu thành tiếng cải thiện đáng kể bộ nhớ của bạn. Các nhà giáo dục và tâm lý học cũng đã phát hiện ra rằng việc dạy sinh viên các khái niệm mới giúp tăng cường sự hiểu biết và nhớ lại những kiến thức của người dạy.
Bạn có thể sử dụng phương pháp này trong công việc của bạn bằng cách dạy các khái niệm và kiến thức mới cho bạn bè hoặc đối tác.
Tập trung chú ý vào thông tin khó
Bạn có nhận thấy dễ dàng nhớ thông tin ở đầu hoặc cuối chương không? Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thứ tự thông tin có thể đóng một vai trò trong việc nhớ lại.
Mặc dù việc nhớ thông tin ở phần giữa tài liệu có thể khó khăn nhưng bạn có thể khắc phục vấn đề này bằng cách dành thêm thời gian để đọc lại các thông tin này.
Một cách khác là cố gắng sắp xếp lại những gì bạn đã học để dễ nhớ hơn. Khi bạn gặp một khái niệm khó, hãy dành thêm thời gian để ghi nhớ thông tin.
Thay đổi thói quen học tập của bạn
Một cách tuyệt vời khác để tăng khả năng nhớ của bạn là thỉnh thoảng thay đổi thói quen học tập. Nếu bạn đã quen học ở một địa điểm cụ thể, hãy thử di chuyển đến một địa điểm khác trong buổi học tiếp theo. Nếu bạn học vào buổi tối, hãy thử dành vài phút mỗi sáng để xem lại những kiến thức bạn đã học tối hôm trước.
Cần nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc
Từ lâu chúng ta đã biết rằng giấc ngủ rất quan trọng đối với trí nhớ và học tập. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ trưa sau khi bạn học một cái gì đó mới có thể giúp bạn học nhanh hơn và ghi nhớ tốt hơn. Trên thực tế, ngủ sau khi học một vấn đề mới sẽ làm thay đổi về thể chất trong não.
Thùy Minh (T/h)