Bộ Y tế: Đã có 17 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

T.Tâm|25/07/2017 02:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong 7 tháng đầu năm, cả nước đã có 17 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Ảnh minh họa

(Moitruong.net.vn) – Chiều ngày 24/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức họp trực tuyến nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát mùa mưa lũ, đặc biệt là sốt xuất huyết.

tử vong do sốt xuất huyếtTrong 7 tháng đầu năm, cả nước đã có 17 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Ảnh minh họa

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận gần 59.000 trường hợp mắc, có 17 trường hợp tử vong. Cùng kỳ của năm 2016, số trường hợp mắc sốt xuất huyết là gần 45.000 trường hợp mắc bệnh, 14 trường hợp tử vong.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Mùa mưa lũ đến sẽ kéo theo các bệnh về đường ruột, đau mắt, da liễu, viêm màng não, viêm não, đặc biệt là sốt xuất huyết. Năm nay, do nền nhiệt gia tăng và miền Bắc nóng sớm nên sốt xuất huyết đến sớm và gia tăng”.

Sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM,… Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.699 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tập trung chủ yếu ở quận Hoàng Mai, Đống Đa… Mặc dù vậy, tỷ lệ mắc bệnh của Hà Nội không cao so với các tỉnh thành trên cả nước.

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp hơn so với cùng kỳ năm ngoái do biến động dân cư mạnh mẽ giữa các vùng và thời tiết bất thường với mùa mưa đến sớm, kéo dài từ tháng 4. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, so với các quốc gia trong khu vực và quốc tế, Việt Nam có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân thấp, tỷ lệ tử vong thấp nhất trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là loại bỏ các ổ loăng quăng, lật úp các dụng cụ chứa nước, cần tuyên truyền đến từng hộ gia đình, từng người dân để thực hiện, hạn chế dịch bệnh lây lan. Do đó, một trong những cách chống dịch tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng. Người dân cần tránh bị muỗi đốt, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, đối với các ca đã mắc bệnh, các bác sĩ nhất định phải cứu chữa ngay, hạn chế tử vong, không để dịch lan rộng. Bệnh nhân vào viện phải được khám chữa và điều trị kịp thời. Các cơ sở y tế không được để xảy ra tình trạng quá tải, phân tuyến điều trị hợp lý, tránh nằm ghép..

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Biện pháp phòng chống sốt xuất huyết chủ động, hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và diệt bọ gậy. Ông Phu cho biết: “Người dân đang rất chủ quan với bệnh, luôn cảm thấy đơn giản, vô can. Nhưng nếu bị sốt xuất huyết, bạn có thể tốn hàng triệu đồng điều trị. Có người đã tốn gần 30 triệu viện phí vì điều trị sốt xuất huyết, thậm chí số tiền còn lớn hơn nếu như xuất huyết não, xuất huyết nội tạng. Đã có 17 người tử vong vì căn bệnh mà nhiều người vẫn chủ quan này”.

Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng chỉ đạo: Về tình hình dịch phức tạp do nhiều nguyên nhân, trong đó vì lý do thời tiết tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, ngành y tế cần phải nỗ lực, tập trung, quyết liệt để kiểm soát tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong. Ngoài dịch sốt xuất huyết, các dịch bệnh dễ gặp trong mùa mưa lũ như: tả, lỵ, thương hàn, các bệnh da liễu, đau mắt đỏ, viêm não,… cũng cần được dự phòng và ngăn chặn ngay từ lú này, không để bệnh dịch bùng phát.

Để phòng chống dịch bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng, cần tập trung tuyên truyền mạnh mẽ cho cộng đồng hiểu, nâng cao ý thức, chủ động diệt bọ gậy/lăng quăng.

T.Tâm

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bộ Y tế: Đã có 17 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.