Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh sốt vàng là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A do virus thuộc họ Flaviviridae gây ra với tỉ lệ tử vong có thể đến 50% ở thể nặng.
Đáng chú ý, bệnh lây truyền theo đường máu do muỗi vằn Aedes aegypti đốt, hút máu người và động vật nhiễm bệnh, sau đó đốt và truyền virus cho người lành. Đây cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.
Thời gian ủ bệnh từ 3-6 ngày, có thể kéo dài hơn sau khi nhiễm virus gây bệnh. Bệnh nhân mắc sốt vàng có khả năng lây truyền bệnh từ trước khi sốt một vài ngày và sau sốt 3-7 ngày.
Thời kỳ khởi phát bệnh, bệnh nhân thường có biểu hiện đột ngột sốt cao, kèm rét run, đau đầu, đau cơ toàn thân, mặt đỏ xung huyết, buồn nôn và nôn, mạch chậm và yếu, có vàng da nhẹ.
Giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết niêm mạc như chảy máu cam, máu mũi, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen. Trường hợp nặng, bệnh nhân tổn thương nhiều phủ tạng, suy gan, suy thận, trụy tim mạch, vàng da vừa hoặc nặng, sốc nhiễm khuẩn. Tỉ lệ tử vong ở thể nặng có thể lên đến 50%.
Bệnh sốt vàng hiện chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị chỉ làm giảm các triệu chứng và hạn chế tối đa các biến chứng muộn. Tuy nhiên, bệnh sốt vàng có thể phòng ngừa bằng vaccine.
Để chủ động phòng chống, không để mắc bệnh sốt vàng khi đến các vùng có dịch và các biến chứng nặng của bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người đi đến vùng dịch thực hiện tốt các biện pháp như:
Người đến quốc gia khu vực Châu Phi và Mỹ Latin chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng bệnh sốt vàng ít nhất 10 ngày trước khi đi đến vùng có dịch để có miễn dịch suốt đời phòng bệnh sốt vàng.
Khi đến, ở trong vùng dịch tại các nước đang có dịch cần chủ động thực hiện các biện pháp xua, diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
Người từ các nước đang có dịch về Việt Nam nên chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau khi trở về; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.