Cà kheo - Trò chơi dân gian ngày Tết

Thanh Tú|14/02/2024 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đi cà kheo là một trò chơi dân gian còn lưu truyền và tồn tại đến ngày nay, được người dân nhiều địa phương ưa thích trong các dịp Tết đến, Xuân về.

Trò chơi dân gian độc đáo của người Tây Bắc

Những môn thể thao, trò chơi dân gian được tổ chức đã kết nối cộng đồng. Đặc biệt trong lễ hội, ngày vui Xuân đón Tết, bà con thường tổ chức các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co và không thể thiếu sự góp mặt của trò chơi cà kheo.

Cà kheo được làm bằng cây tre to vừa tay cầm, nhưng phải chọn cây tre già đặc, gióng ngắn. Bà con vùng Tây Bắc thường chọn cây mạy sang - loại cây tre mọc trên rừng măng mọc đầu mùa mới ăn được. Tre lấy về tuỳ theo người cao thấp mà cắt cho vừa tay, chân, nhưng không cắt hết phần có chạc ở mắt gióng để làm giá đỡ chân và cả thân mình. Vì loại tre này dày thân và rất dẻo khi làm giá đỡ sẽ không bị gẫy gập hoặc nứt nẻ. Trước đây bà con thường làm cà kheo rất cao, cao bằng sàn nhà khoảng 2 mét vì thanh niên trai bản đi chọc sàn hoặc hò hẹn bạn gái thường đi bằng cà kheo. Chỗ để chân từ trụ cà kheo thẳng ra chỗ chạc tre bà con lấy một gióng tre to hơn một đầu gắn với cây trụ chính và một đầu có chạc tre đỡ, gắn chặt thành hình tam giác đỡ cho chân bám chắc và toàn thân giữ thăng bằng trên chiếc cà kheo.

ca-kheo.jpg
Đi cà kheo là một trò chơi dân gian còn lưu truyền và tồn tại đến ngày nay

Thường thì vào độ cuối năm - lúc đã nông nhàn, trai gái các bản Mường thường chọn những cây tre đực nhỏ, già cứng đem xuống ao ngâm bùn chừng hai tháng. Sau đó, tre được vớt lên để khô nước và bỏ lên gác bếp cho cây khô hẳn và cứng hơn. Cách Tết khoảng nửa tháng, hàng đêm trai gái tụ tập nhau lại để làm cà kheo. Cây cà kheo phải bảo đảm thật chắc chắn, nhẹ để dễ di chuyển và người đi cà kheo dễ giữ thăng bằng.

Thi đấu cà kheo thường diễn ra tại các điểm hội đu của người Mường, điểm hội còn của đồng bào Thái, hay trong các sân rộng, đám ruộng khô giữa bản. Chơi cà kheo thường bắt đầu từ mồng Ba Tết, sau khi trai gái đã cơ bản hoàn tất việc chúc Tết hoặc phụ giúp việc bếp núc cho gia đình trong mấy ngày Tết. Đến mồng Bảy Tết là lễ hạ cây nêu thì hội cà kheo cũng tạm dừng. Rằm tháng Giêng, các bản làng vùng cao thường tổ chức lễ hội cầu mùa như lễ cầu đình miếu, lễ hội Lồng Tồng... hội cà kheo lại được tiếp tục thi đấu so tài giữa các làng, bản.

Cách thi đấu cà kheo khá phong phú. Trong đó, kiểu thi đấu đơn giản nhất là trai hay gái sóng vai nhau từng cặp cùng đua cà kheo chạy đường dài. Hoặc là, nam nữ thi đấu riêng từng tốp. Cách thi đấu nữa là, trai gái chia nhau thành từng nhóm có nam, có nữ dàn hàng hai bên. Khi tiếng trống phát lệnh nổi lên thúc giục, hai bên tiến sát vào nhau vừa giữ thăng bằng vừa lấy chân cà kheo của mình gạt chân cà kheo của đối phương, hoặc tỳ vai đối phương, sao cho đối thủ mất thăng bằng rơi xuống đất thì mình thắng cuộc.

Bên nào thua thì phải khom lưng cho bên kia vỗ vào mông. Cách thi đấu kịch tính nhất, đó là chia lực lượng thành hai đội như chơi đá bóng. Đầu sân mỗi đội có vẽ một vòng tròn nhỏ và có người đứng trên cà kheo canh giữ. Khi trống hiệu vang lên, hai bên dàn quân tiến vào giữa sân dùng chân cà kheo tranh nhau gạt một mẩu gỗ đường kính chừng 10cm, dài 15cm, sao cho mẩu gỗ lăn được vào vòng tròn bên sân đối phương thì thắng cuộc.

Cùng với lối chơi cà kheo thi đấu là chơi cà kheo mang tính biểu diễn. Cà kheo biểu diễn thường xen lẫn với múa xòe. Khi vòng xòe có nhịp bước chuyển động vòng tròn thì người đi cà kheo cũng phải bước theo nhịp điệu, nhạc xòe và chuyển động cùng chiều với vòng xòe. Vòng xòe dừng tại chỗ múa tiến lùi thì người đi cà kheo cũng phải thực hiện đúng như vậy... Cách biểu diễn nữa là, trai gái vừa đi cà kheo vừa đội một vật ở trên đầu như chiếc giỏ đựng bắp ngô, đội quả bí y như diễn xiếc và giữ sao cho vật đội trên đầu không bị rơi.

Mỗi lối chơi cà kheo đều có sự hấp dẫn rất riêng. Ở dạng thi đấu thì không gian vui chơi luôn sôi động bởi tiếng trống, tiếng reo hò cổ vũ, tính quyết liệt của sự thắng thua và nó mang sắc thái của tinh thần thượng võ. Ở lối biểu diễn thì thiên về phô diễn tài năng, sự khéo léo và nó sôi động ở tiếng nhạc xòe, tiếng hô, tiếng vỗ tay thán phục như nâng bước người biểu diễn. Tất cả sự độc đáo, hấp dẫn ấy, đã tạo nên một không gian ngày xuân ở miền núi xưa kia thật tươi vui, đầm ấm, gắn kết con người với nhau trong tình yêu và dựng xây cuộc sống.

Nét riêng nghệ thuật đi cà kheo vùng biển

Là một loại ngư cụ thông thường để ngư dân sử dụng trong việc khai thác thủy sản nhưng trải qua nhiều thăng trầm, những cây cà kheo đã trở thành một nét văn hóa đậm chất dân gian. Tại Hà Tĩnh có một bờ biển dài và đẹp với thềm sóng êm đềm, tương đối nông và bằng phẳng lại vừa dồi dào nguồn đặc sản nhuyễn thể. Do đó, cùng với nghề đánh bắt hải sản ngoài khơi, trong lồng, nghề cào nghêu, sò, cua rạm, tép tôm bên bờ chân sóng cũng là một trong những kế mưu sinh của cư dân vùng biển. Từ trong lao động, cư dân vùng sông nước đã biết tận dụng tre, trúc sáng tạo ra nhiều thứ dụng cụ sản xuất rất hữu ích cho cuộc sống mưu sinh. Con người đã sáng tạo những cặp gậy tre thành đôi chân cà kheo đi cào nghêu, cào hến rất hiệu quả mà không phải ngâm mình dưới nước. Họ sử dụng những “đôi chân” cà kheo có khi dài tới 2 đến 3 mét để lội nước đánh bắt hải sản, bất chấp sự xô đẩy của những con sóng biển.

Đặc biệt, cặp chân cà kheo không chỉ là công cụ lao động độc đáo gắn bó với nghề cào nghêu, vớt rạm, mà từ lâu đời ngư dân ven biển đã đưa nó lên cạn thành một hoạt động giải trí trong các dịp Lễ, Tết mang đậm chất văn hóa dân gian. Trong không khí rộn ràng vui tươi ngày Tết cổ truyền của dân tộc, được đi trên đôi chân cà kheo, những ngư dân thuần phác, khuya sớm tảo tần trên con sóng bạc đầu như thanh thoát tâm hồn, cao lớn hơn trong đời sống tầm thường, ích kỷ của thế giới đầy phức tạp.

Ngày nay, trò diễn dân gian đi cà kheo được duy trì khá phổ biến từ Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc ra tận Nghi Xuân. Trong đó, đàn ông các xã vùng biển biết cách đi cà kheo rất thuần thục từ khi còn rất nhỏ. Chính vì vậy, với đôi cà kheo vốn là công cụ lao động ấy, họ có thể vừa làm công việc đánh bắt hải sản cho cuộc sống mưu sinh hàng ngày, lại vừa biến chúng thành “đạo cụ” cho những màn biễu diễn kỹ thuật trên sân khấu trong những lễ hội truyền thống của địa phương.

Trò thi diễn cà kheo mang đậm phong cách đặc trưng vùng miền, thể hiện nét tài hoa và tinh thần kiên cường của các cộng đồng cư dân nơi vùng chân sóng biển hay các bản làng vùng cao. Và đặc biệt, trò thi diễn cà kheo đã trở thành một thú chơi giải trí thiết thực, gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các địa phương khi mỗi độ Tết đến, Xuân về.

Bài liên quan
  • Đánh Phết và những trò chơi dân gian ngày Tết
    Moitruong.net.vn – Những ngày đầu xuân không khí tưng bừng rộn ràng khắp muôn nơi. Ngày này cũng là dịp những sự kiện vui chơi, giải trí mừng xuân diễn ra tưng bừng từ nông thôn đến thành thị. Đặc biệt Tết cũng là dịp mọi người cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian được hình thành từ lâu đời. Những trò chơi dân gian ấy vô cùng phong phú, mang bản sắc riêng của từng địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà kheo - Trò chơi dân gian ngày Tết