Những trò chơi dân gian độc đáo trong ngày Tết cổ truyền

Anh Thư|04/02/2019 11:27
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong những dịp Tết, lễ hội, các trò chơi dân gian là điều không thể thiếu bởi nó góp phần tạo nên bầu không khí sôi động, rạo rực tinh thần đua tranh và đầy ắp tiếng cười. Ngoài ra, trò chơi dân gian không đơn thuần là những trò vui tiêu khiển mà nó chứa đựng những nét đẹp văn hóa và mang giá trị truyền thống dân tộc.

>>> Miền Bắc ấm áp, Nam Bộ nóng oi trong Tết Nguyên đán

>>> Năm 2018, trên 10.000 người trên thế giới bị thảm họa thiên tai cướp đi sinh mạng

Chơi đu

Chơi đu là trò chơi xuất hiện rất sớm trong văn hóa làng quê Việt Nam. Theo đó, trò chơi sẽ được tổ chức vào những ngày trước Tết, khoảng 27-28 tháng Chạp tại những khu bãi đất rộng trước sân đình, chùa của làng.

Cây đu được cấu tạo gồm 4 cây tre lớn tạo thành 2 trụ đu, bàn đu và thượng đu. Thượng đu làm bằng thanh tre ngang nối 2 phần trụ đu với nhau. Tay đu là 2 cây tre già nhỏ vừa với tay cầm và được chốt rất chắc chắn để người đu cầm được khi đu, bàn đu là chỗ để người chơi đặt chân đứng lên đó.

Có nhiều cách đu nhưng phổ biến nhất vẫn là đu đơn và đu đôi; đu đơn là đu một người, đu đôi là đu hai người. Đu đơn nữ thường thể hiện sự nhịp nhàng và duyên dáng của người chơi, đu đơn nam thường thể hiện sự khoẻ mạnh, bay bổng và thường đu cao tít lên. Đu đôi gồm có đôi nam, đôi nam nữ. Tuy nhiên đẹp nhất, hấp dẫn và thích thú nhất vẫn là chơi đu đôi nam nữ, bởi giữa đất trời mùa Xuân, vạn vật, hoa cỏ đang khoe sắc đua hương, những đôi trai gái đang độ tuổi xuân thì đều phơi phới đam mê muốn kết duyên, tìm bạn.

Ngoài ra, khi chơi đu đôi nam- nữ thể hiện rất rõ quan niệm cổ xưa có âm – dương, trời – đất, núi – sông, nam – nữ giao hoà… khiến cho cảnh vật, không khí ngày xuân thêm bay bổng, nhịp nhàng và hứng khởi hơn. Hai người lên đu quay mặt vào nhau, dùng tay vịn thân đu, dùng sức nhún từ đôi chân đẩy cho đu bay bổng, càng vượt cao càng hay và giật giải treo trên ngọn đu. Càng nhún mạnh, đu càng lên cao, cần đu đưa lên vun vút, bên nọ sang bên kia.

Ngày nay, chơi đu là trò chơi mang tính phổ biến và dân dã ở nhiều vùng nông thôn, không phân biệt đẳng cấp, giới tính, lứa tuổi… ai cũng có thể tham dự. Thế nhưng, đây lại là trò chơi yêu cầu người chơi phải thật bình tĩnh, có sức khoẻ và một chút dũng cảm, bởi đây là trò chơi có tính mạo hiểm khi người đu hưng phấn lên thì có thể điều chỉnh đu bay lên cao tít. Nếu không bình tĩnh và không có sức khoẻ thì rất dễ gây nguy hiểm đến người chơi.

Đấu vật

Đấu vật là một trò chơi thượng võ, cũng là một môn thể thao rất nổi tiếng vào các dịp Tết dịp Hội. Được tổ chức từ  mồng 4 – 6 Tết hàng năm và thu hút đông đảo trung niên, thanh niên tham gia. Theo đó, ở Việt Nam ngoài đấu vật ngày Tết còn có nhiều hội vật Làng Sình, Liễu Đôi, Hà Nam, Mai Động… Xưa ở vùng Bắc Ninh, Phú Thọ có những lò vật và những đô vật nổi tiếng cả một vùng.

Theo truyền thống, trước khi bước vào trận đấu thực thụ, hai đô vật phải làm động tác biểu diễn màn chào hỏi. Đây không chỉ biểu diễn những động tác đẹp mắt, mà còn là nghi thức tâm linh của các đô vật hướng về Tổ tiên, hướng về các vị anh hùng của dân tộc. Do đó, các trận đấu luôn tạo ra không khí hào hứng, sôi nổi trong tiếng hò reo cổ vũ hòa cùng tiếng trống thúc giòn giã. Trên sới vật, từng cặp đô vật thân hình cường tráng, mình trần, chít khăn xanh, khăn đỏ đang khua chân, múa tay để rình miếng nhau, chỉ đợi đối phương sơ hở là lao vào vật ngửa đối thủ.

Quy định chung của cuộc đấu là người chiến thắng phải vật cho đối phương thua trắng bụng (ngã ngửa ra đất) hay nhấc bổng được đối phương lên. Do đó, trong môn vật này sức khỏe chưa đủ để bạn giành được thắng lợi mà còn cần cả sự mưu trí và nhanh nhẹn.

Chọi gà

Là một thú chơi tao nhã, vừa có tính tiêu khiển lại vừa khuyến khích việc chăn nuôi của nhà nông xưa. Đó là một thú chơi mà hầu hết ở các ngày Tết, ngày Hội đều có. Vì thế,  việc lựa chọn kỹ gà bố, gà mẹ rồi đến khi trứng nở ra gà con lại được lựa từ dáng vẻ chân, mỏ, mình, đầu… Những chú gà nòi được nuôi rất công phu và đưa chúng tập luyện với các chú gà chọi khác để làm quen dần với những trận chiến đấu.

Trong các trận chọi gà luôn thu hút đông đảo sự chú ý. Theo đó, hai con gà chọi đỏ gay lừa mổ nhau, đập cánh vào nhau, nhảy lên đá móc vào nách, vào cổ họng, vào ức của đối phương rất quyết liệt, hoặc ghì nhau đè cánh đạp chân như những đấu thủ trên sàn đấu. Có những trận đấu kéo dài hàng tiếng đồng hồ mà không phân biệt thắng thua.

Người xem bàn tán, tranh luận sôi nổi, đặc biệt là những ngày Tết Nguyên đán, khiến cho không khí Tết lại càng trở nên rộn rã. Trong quá trình thi đấu, nếu như thấy gà đuối sức, người chơi có thể xin dừng cuộc chơi để tránh gây thương tích cho gà. Thi đấu xong người giành phần thắng sẽ không trao bằng tiền mà sẽ được bên thua đãi một bữa ăn thịnh soạn. Việc thi đấu ở đây đôi khi thắng thua không quan trọng, mà chủ yếu để những người nuôi gà chọi chia sẻ kinh nghiệm, khán giả chứng kiến những pha biểu diễn kịch tính của các chú gà, tạo niềm vui trong dịp Tết đến Xuân về.

Chơi cờ người

Cờ người là một trong những trò chơi thường thấy trong các ngày hội, ngày Tết, mừng Xuân mới. Đây là thú chơi tao nhã, trí tuệ giúp con người có những giờ phút giải trí bổ ích.

Theo đó, sẽ có 32 quân cờ chia thành hai phe (16 quân đỏ và 16 quân đen), bày xong là cuộc đấu trí bắt đầu. Cờ người cũng là cờ tướng mà quân cờ là người thật, cũng chơi trên sân bãi, 16 nam áo đỏ, 16 nữ mặc áo đen đeo biển (tên quân cờ) trước ngực, đứng vào vị trí.

Hai tướng (Tướng Ông, Tướng Bà) mặc đẹp (như cờ tướng) có hai cờ đuôi nheo cắm chéo sau lưng, được che lọng. Gặp buổi trời nắng, thì mỗi quân cờ được một người che ô, đứng bên và đi theo mỗi lần quân chuyển. Hai đối thủ ngồi phía sau. Có người chạy cờ, lo việc chuyển quân theo ý định của người chơi.

Mỗi lần đi một nước, đấu thủ (có tiếng trống khẩu) gõ một tiếng. Người chạy cờ tới nghe lệnh và chuyển quân trên bãi. Nguyên tắc đi quân là mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách.Và để giành được chiến thắng đòi hỏi người chơi phải bình tĩnh, thận trọng, chủ động không bị phân tán bởi những người xem mách nước. Đi một nước phải tính trước 2-3 nước tiếp theo để khỏi bị bất ngờ trước đối thủ của mình. Được biết, ván cờ có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ mới phân thắng, bại.

Trò chơi bịt mắt đập niêu đất

Đập niêu đất cũng là trò chơi dân gian khá phổ biến ở nhiều làng quê miền Bắc. Trò chơi thường diễn ra ở sân đình hay trên sân rộng. Trước khi chơi, người ta trồng ở giữa sân hai chiếc cột cách nhau 5m, buộc dây thừng nối 2 thân cột làm giá treo niêu. Một vạch mốc cách giá treo niêu khoảng 3 đến 5m được kẻ làm điểm xuất phát.

Trước khi chơi, trọng tài sẽ trao cho người chơi một chiếc gậy dài khoảng 50cm, những người tham gia chơi đứng dưới vạch mốc và bị bịt mắt nên họ phải định hình hướng đi và ước lượng khoảng cách treo niêu để đập cho trúng một trong những chiếc niêu đang treo trên dây. Người đập trúng niêu sẽ có được phần thưởng ghi trong mảnh giấy nhỏ trong chiếc niêu bị đập vỡ.

Anh Thư

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những trò chơi dân gian độc đáo trong ngày Tết cổ truyền
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.