Cà Mau: Tìm giải pháp ứng phó tình trạng sạt lở bờ biển

Hoàng Minh|07/07/2021 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cà Mau đã tập trung khắc phục những điểm sạt lở nghiêm trọng, cấp bách ổn định cuộc sống cho người dân vùng nguy cơ cao. Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất thực hiện nhiều giải pháp ứng phó tình trạng xói lở bờ biển, bảo vệ đê biển gắn với tạo bãi trồng rừng phòng hộ.

Sạt lở bờ biển đã diễn ra nhiều năm nay tại tỉnh Cà Mau và ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng tới đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế. Năm 2020, tỉnh Cà Mau đã 2 lần ban bố tình trạng khẩn cấp do sạt lở bờ biển.

Cà Mau tăng cường giải pháp ứng phó tình trạng xói lở bờ biển.

Là tỉnh nằm ở cực Nam Tổ quốc, Cà Mau có 3 mặt giáp biển, với tổng chiều dài bờ biển 254km (trong đó, bờ biển Tây dài 154km, bờ biển Đông dài 100km). Qua quan trắc, ở biển Tây tốc độ sạt lở trung bình từ 20 đến 25m/năm, có một số vị trí lên đến 50m/năm, ở biển Đông trung bình từ 45 đến 50m, cá biệt có những nơi lên đến 80m/năm. Hiện bờ biển Tây và bờ biển Đông có trên 80% tổng chiều dài bị sạt lở. Bờ biển Đông có chiều dài xói lở nguy hiểm khoảng 48.000 mét, trong đó, sạt lở rất nguy hiểm khoảng 29.500 mét tập trung trên địa bàn các xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn); xã Đất Mũi, xã Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển).

Tình hình xói lở bờ biển Tây hiện đang ngày càng nguy cấp với chiều dài xói lở khoảng 57.000m. Trong đó, nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ, hoặc đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét. Mặt khác, đê biển Tây thường xuyên bị sóng to, gió lớn uy hiếp, nhất là vào mùa mưa bão, gió tây nam hoạt động mạnh cộng với triều cường dâng cao khiến nguy cơ vỡ đê rất cao.

Trước tình thế cấp bách về sạt lở bờ biển, UBND tỉnh Cà Mau đã nhanh chóng ban hành nhiều quyết định hộ đê khẩn cấp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị phối hợp cùng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các ngành, các cấp, vận động sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn khắc phục xử lý sạt lở.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Cà Mau, Chi cục trưởng Chsạt lở ti cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai thông tin: “Chỉ tính riêng trong năm 2020, UBND tỉnh đã ban bố tình huống khẩn cấp 2 lần để kịp thời xử lý sạt lở tuyến đê biển Tây, huy động toàn lực khắc phục thiệt hại, trong đó, ưu tiên xử lý trước những vị trí nguy hiểm, xung yếu. Nhiều giải pháp xử lý khắc phục sạt lở đã được triển khai thực hiện bằntg các công trình kiên cố hóa đê biển và các công trình kè chống sạt lở, gây bồi tạo bãi, khôi phục rừng ngập mặn ven biển…. nhằm giảm thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra, giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống”.

Dùng chân khai bằng rọ đá kết hợp với mái che để chắn sóng bảo vệ đê biển Tây đoạn Hương Mai – Tiểu Dừa, thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh.

Cùng với những giải pháp xử lý tạm thời như: Cừ bằng vật liệu địa phương kết hợp đá hộc, rọ đá, cừ bản nhựa, bê tông tự chèn,… tỉnh đã triển khai những giải pháp công trình căn cơ hơn là công trình kè 02 hàng cọc dự ứng lực tạo bãi với tổng chiều dài gần 49km (40km được xây dựng ở biển Tây và 9km ở khu vực biển Đông). Theo số liệu khảo sát mới nhất, phía sau công trình, bãi bồi đã hình thành và được bồi lấp liên tục theo từng năm. Hiện nay, bình quân chiều cao bãi được nâng lên từ 1-1,5m phù sa so với trước khi có công trình. Công trình phát huy hiệu quả giảm sóng gây bồi, tạo điều kiện tốt để trồng tái sinh rừng ngập mặn, đảm bảo an toàn cho nhà cửa dân cư phía bên trong đê cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 56/154km đê biển Tây, gần 60km kè ở biển Tây và biển Đông được xây dựng kiên cố từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, vốn ngân sách tỉnh. Nhiều giải pháp phi công trình được triển khai thực hiện như: Tổ chức di dân, tái định cư; phát động phong trào trồng cây, gây rừng; tổ chức theo dõi diễn biến sạt lở ven biển về quy mô, cường độ, hướng dịch chuyển theo định kỳ… Trước tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến tình hình xói lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng thiệt hại về sản xuất, dân sinh, tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính không áp dụng cơ chế vay lại các dự án ODA đối với các dự án ứng phó thiên tai theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Nghị định số 52/2017/NĐ của Chính phủ, mà được áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA đầu tư cho các dự án xây dựng đê biển, xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, vì các dự án này không có khả năng thu hồi vốn.

Để triển khai các giải pháp công trình và phi công trình ứng phó xói lở bờ biển trong thời gian tới, Phó Chủ UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, cho biết: “Tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét có cơ chế để huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển, kết hợp với đầu tư khai thác du lịch sinh thái, điện gió, điện năng lượng mặt trời (các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư kè và được giao sử dụng đất rừng phòng hộ ven biển khôi phục thêm được từ dự án để kinh doanh du lịch sinh thái). Đề xuất, Trung ương sớm có phân bổ kinh phí cho tỉnh Cà Mau xử lý tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và nạo vét các cửa sông, cửa biển bị bồi lắng với tổng kinh phí khoảng 1.047 tỷ đồng, trong đó ưu tiên nguồn vốn xử lý đối với các công trình chống sạt lở khẩn cấp, đặc biệt nguy hiểm khoảng 797 tỷ đồng và kinh phí nạo vét các cửa sông, cửa biển bị bồi lắng trước mùa mưa bão năm 2021 khoảng 250 tỷ đồng”.

Hoàng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Tìm giải pháp ứng phó tình trạng sạt lở bờ biển