Theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, tình trạng sạt lở đất bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn ra rất nhanh và ngày càng nghiêm trọng, đã tác động tiêu cực và ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo số liệu kiểm kê, từ năm 2007 – 2018, rừng ven biển đã bị mất khoảng 8.870ha. Trong đó, bờ biển Tây bị xói lở có chiều dài khoảng 57km, nhiều đoạn xói lở sâu, gây ra nguy cơ phá vỡ đê biển; bờ biển Đông bị xói lở có chiều dài khoảng 48km, có nhiều đoạn xói lở sâu, làm mất đất rừng phòng hộ từ 80 – 100m/năm.
Song song đó, tình hình sạt lở bờ sông cũng diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là tại địa bàn các huyện ven biển Đông như: Năm Căn, Đầm Dơi và Ngọc Hiển. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, đã sạt lở 3,4km đất ven sông. Nguy hiểm hơn, thời gian xảy ra sạt lở thường vào ban đêm, nên nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân là rất cao.
Qua kết quả khảo sát thực tế cho thấy, trên toàn tỉnh hiện có 27 vị trí sạt lở, với tổng chiều dài gần 38km; trong đó, có 8 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, với chiều dài 4,8km, liên quan đến hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống, sản xuất, kinh doanh trong khu vực cần phải sớm được di dời để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Trước mắt, tỉnh kiến nghị Trung ương khẩn cấp xem xét bố trí hơn 54 tỷ đồng (giai đoạn 2019 – 2020) cho Dự án đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, UBND tỉnh Cà Mau cho biết ngày 22/8.
Tỉnh Cà Mau cho biết, 11 năm qua sóng biển cuốn trôi hơn 8.800 ha đất, rừng ở địa phương. Trong đó, 57 km bờ biển Tây bị xói lở; nhiều đoạn có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào. Riêng bờ biển Đông có 48 km bị xâm thực, làm mất 80 – 100 m đất rừng phòng hộ mỗi năm.
Hiện hơn 23 km biển Đông trong tình trạng nguy hiểm, cần được đầu tư để gia cố nhằm bảo vệ tài sản của người dân cũng như các công trình hạ tầng, các khu cơ quan hành chính, công trình giáo dục, y tế, dân cư…
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, sạt lở, nước biển dâng thời gian qua, Cà Mau đã chi gần 1.000 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau để xử lý khắc phục 28 km xung yếu, chủ yếu trên tuyến biển Tây.
Hồi đầu tháng 8, sóng biển dâng cao, kết hợp mưa giông đã gây hư hỏng hơn 360 m thân đê biển Tây; hàng nghìn căn nhà bị ngập, thiệt hại 32 tỷ đồng.
Tú Anh (t/h)