Theo đó, báo cáo của Aon đã cho thấy, trong năm 2023, có 398 sự kiện thiên tai xảy ra trên toàn cầu, dẫn đến thiệt hại kinh tế 380 tỷ USD trong khoảng thời gian 12 tháng, cao hơn 22% so với mức trung bình của thế kỷ 21.
Trong đó, thiệt hại kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2023 lên tới 65 tỷ USD, thấp hơn 48% so với mức trung bình của thế kỷ 21, chủ yếu là do lũ lụt ở Trung Quốc và hạn hán ở Ấn Độ. Trong tổng số tiền thiệt hại trên, chỉ có 6 tỷ USD, tương đương 9%, được bảo hiểm chi trả, thấp hơn mức trung bình 15 tỷ USD của thế kỷ 21.
Báo cáo đã chỉ ra, lũ lụt vẫn là mối đe dọa thường xuyên ở châu Á - Thái Bình Dương, với thiệt hại hàng năm vượt quá 30 tỷ USD/năm kể từ năm 2010. Trong năm 2023, lũ lụt chính là mối nguy hại tốn kém nhất, chiếm hơn 64% tổng thiệt hại. Khoảng một nửa thiệt hại ở châu Á - Thái Bình Dương có liên quan đến lũ lụt ở Trung Quốc, dẫn đến thiệt hại kinh tế hơn 32 tỷ USD và thiệt hại được bảo hiểm là 1,4 tỷ USD.
Lũ lụt và mưa lớn xảy ra ở nhiều khu vực trong năm 2023 như: HongKong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ và Pakistan…
Theo Aon, các khu vực có dân số cao thường được trang bị tốt hơn để ứng phó với thiên tai thông qua đầu tư và có khả năng nhận bảo hiểm cao hơn. Tuy nhiên, nhược điểm là tốc độ tăng trưởng đô thị đáng kể có thể dẫn đến những rủi ro không lường trước được, đặc biệt là khi xảy ra các hiện tượng thời tiết chưa từng có.
Bên cạnh lũ lụt, bão nhiệt đới ở khu vực châu Á và châu Đại dương cũng gây thiệt hại kinh tế gần 13 tỷ USD và thiệt hại được bảo hiểm là 1,4 tỷ USD. Số người thiệt mạng do bão nhiệt đới tương đối thấp trong năm thứ hai liên tiếp. Đây có thể là kết quả của việc các biện pháp ứng phó và thích ứng với thiên tai được cải thiện.
Aon cũng cho biết, nắng nóng cực độ là một mối nguy hiểm bất ngờ khác ở khu vực châu Á trong năm ngoái. Nhiều nơi trong khu vực đã trải qua thời kỳ nhiệt độ khắc nghiệt kéo dài vào năm 2023. Điển hình như Trung Quốc đã phải hứng chịu kỷ lục nắng nóng mới với nhiệt độ tăng vọt lên 52,2°C vào tháng 7. Đáng chú ý, đợt nắng nóng kéo dài nhiều tuần đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia ở Nam và Đông Nam Á trong tháng 4 và tháng 5.
Tình trạng hạn hán cũng ảnh hưởng đặc biệt đến Trung Quốc và Ấn Độ, làm thiệt hại thêm hàng tỷ USD.
Ngoài ra, trong năm 2023, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng rung chuyển bởi một số trận động đất lớn.
Giám đốc điều hành Giải pháp Tái bảo hiểm khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Aon - ông George Attard đưa ra nhận định, những phát hiện từ báo cáo của Aon về châu Á - Thái Bình Dương đã chứng minh rằng, biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến 4 trong số 10 rủi ro hàng đầu đối với các doanh nghiệp. Đó là sự gián đoạn kinh doanh, xu hướng thị trường thay đổi nhanh chóng, thất bại trong phân phối chuỗi cung ứng, và những thay đổi về quy định hoặc luật pháp. Khi khí hậu liên tục tạo ra những kỷ lục thời tiết cực đoan mới, các doanh nghiệp ngày càng cần định lượng và giải quyết tác động trực tiếp và gián tiếp của rủi ro khí hậu.