Cần suy nghĩ lại về việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh

Thiên Bình|26/03/2023 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những năm gần đây, nhiều trường học thường có xu hướng tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, tham quan thực tế. Là một phụ huynh có hai con đang trong độ tuổi đến trường, cá nhân tôi rất bức xúc về vấn đề này cũng bởi hiệu quả mà nó mang đến thật sự không cao.

Thông thường, để tổ chức thành công những chuyến đi như vậy cần các dịch vụ đi kèm như xe đưa đón, tiền vé tham quan (nếu có), ăn uống… Và trong những buổi họp phụ huynh đầu năm, Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp đứng ra thu tiền của học sinh để trang trải cho các hoạt động này.

Thậm chí có trường, ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm, hoạt động trải nghiệm được giáo viên chủ nhiệm đề cập là môn học bắt buộc. Do đó, để đa dạng hoạt động này thì có những tiết, học sinh được đi tham quan thực tế. Tuy nhiên, một số phụ huynh lớp con tôi rất băn khoăn về mục đích của chuyến đi. Thậm chí, có phụ huynh kiên quyết không cho con tham gia và không nộp tiền.

hoc-sinh-vui-van-nghe-tai-khu-sinh-thai.jpg
A

Dù thế, trước áp lực của nhà trường khi bắt buộc tất cả học sinh trong lớp phải tham dự, phụ huynh chúng tôi đành phải cho học sinh tham gia. Cũng bởi, ngoài những học sinh có lý do chính đáng, các em còn lại không tham gia hoạt động trải nghiệm sẽ nhận điểm 0 ở môn học này. Những học sinh khác sẽ được xem xét dựa trên kết quả trải nghiệm để lấy điểm thường xuyên của môn học.

Tuy nhiên, trong thực tế khi triển khai cho học sinh đi trải nghiệm, nhà trường không nêu rõ ràng phạm vi kiến thức của các môn học liên quan tới đợt trải nghiệm, thậm chí chẳng giao cả phiếu giao nhiệm vụ học tập trước và trong đợt trải nghiệm, liên quan tới yêu cầu nằm trong chương trình học. Điển hình như con gái tôi khi theo nhà trường đi trải nghiệm học tập tại Đà Lạt quay về nhà chỉ khoe được những tấm hình “sống ảo” bên các địa điểm tham quan. Khi tôi dò hỏi con về kiến thức lịch sử văn hóa hay những bài tập phải thực hiện trong chuyến đi đến thành phố ngàn hoa thì con bé ấp úng, không trả lời được gì. Rõ ràng, việc học tập trải nghiệm thực tế, nếu không có kế hoạch chi tiết, chỉ thực hiện cho “có lệ” thì kết quả thu được cũng chỉ là con số không.

Bên cạnh đó, việc tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm tại mỗi trường phổ thông lại là công việc không dễ thực hiện. Cá nhân tôi được biết trong kế hoạch giáo dục cả năm học, ở mỗi bộ môn đều xây dựng kế hoạch liên quan đến học tập trải nghiệm thực tế như tham quan di tích lịch sử địa phương, thăm các khu công nghiệp, các địa danh, nhà bảo tàng… nhưng khi triển khai thường đối mặt với vô số khó khăn.

experimental-learning-2.jpg

Thứ nhất là nan giải về thời gian tổ chức. Cá nhân tôi được biết rằng đại đa số các kế hoạch, chương trình dạy học hiện nay thường kín về thời lượng. Nếu nhà trường muốn tổ chức một hoạt động trải nghiệm bổ trợ cho môn học, chương trình học thì rất khó bố trí vào khoảng thời gian giữa các tiết học, buổi học.

Ngoài ra, yếu tố không gian, địa lý cũng là vấn đề của các trường khi tổ chức hoạt động trải nghiệm. Thông thường, các địa điểm được chọn trải nghiệm là các khu di tích, bảo tàng hoặc các địa danh, khu công nghiệp, nông trại thường khá xa trường học.

Và đương nhiên, không phải trường học nào cũng có sự thuận lợi về khoảng cách khi tiến hành tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thậm chí có nơi cách xa địa điểm trải nghiệm tới hàng trăm cây số. Do đó, sẽ rất khó khăn khi tổ chức cho học sinh đến học tập, thực tế khi khoảng cách địa lý không thuận lợi.

Bên cạnh đó, việc nhiều trường cùng đồng thời tổ chức các chuyến tham quan học tập trải nghiệm “ồ ạt” sẽ dẫn đến việc quá tải ở những địa điểm tham quan được “ưa thích”, chẳng hạn như Đà Lạt, Vũng Tàu. Khi tới các địa điểm tham quan, việc chen chúc giữa các em học sinh khiến tốp này phải chờ tốp kia ra thì mới được vào, khiến học sinh không thể có trải nghiệm trọn vẹn. Chính vì vậy, học sinh không còn hào hứng để tham gia, khiến các chuyến trải nghiệm mất đi ít nhiều ý nghĩa.

Hơn như thế, dẫu biết việc đi tham quan, dã ngoại cũng là cơ hội để học sinh được trải nghiệm về cuộc sống xung quanh, nhưng việc đi tham quan không thể xem là chuyên đề học tập đơn môn, liên môn hay hoạt động trải nghiệm theo chủ đề được. Việc này cần phải tách bạch rõ ràng. Nếu chỉ là tham quan, dã ngoại có thu phí thì nên cho học sinh đi dựa trên tinh thần tự nguyện, không nên có bất kỳ sự ràng buộc nào. Vì hoàn cảnh gia đình của mỗi người mỗi khác, không phải ai cũng đủ điều kiện để cho con tham gia những chuyến trải nghiệm. Còn nếu đã xác định chương trình hoạt động trải nghiệm là chương trình giáo dục bắt buộc nên không cần đòi hỏi việc đóng góp từ học sinh hay phụ huynh. Ban giám hiệu nhà trường tùy vào tình hình thực tế có thể chủ động trong việc tổ chức những hoạt động trải nghiệm mang tính xã hội như tình nguyện, vì cộng đồng nhưng không cần tốn kém kinh phí và lại rất hiệu quả, thiết thực với xã hội.

Thời chúng tôi còn đến trường, dù không có môn học mang tên hoạt động trải nghiệm đòi hỏi việc đi tham quan thực tế như hiện nay nhưng mỗi học sinh đều vô cùng hào hứng với các chương trình vì môi trường hoặc cộng đồng do nhà trường đề ra như trồng cây, lau chùi cửa kính, phụ giúp công việc ở các gia đình neo đơn, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thế hệ chúng tôi khi ấy dù thiếu thốn nhưng nhờ các hoạt động xã hội gắn kết với cộng đồng ấy, vẫn được rèn giũa đủ đầy về phẩm chất và trí tuệ. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên suy nghĩ lại về cách thức tổ chức cũng như quy trình hoạt động của các tiết học thực tế, trải nghiệm này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần suy nghĩ lại về việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh