Theo Cục Thú y, giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thất thường là nguyên nhân có thể làm xuất hiện và lây lan nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh vào đầu mùa mưa, như: cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, dịch lở mồm long móng ở heo… Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4, trên cả nước đã xuất hiện khoảng 40 ổ dịch cúm gia cầm ở 14 tỉnh, thành phố. Nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 tiếp tục lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao, nhất là trong giai đoạn thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, đặc biệt là ở các địa phương có ổ dịch cũ và có sự lưu hành của virus cúm gia cầm.
Tại TP Cần Thơ, từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều hộ dân, cơ sở chăn nuôi thì thời điểm chuyển mùa, từ mùa khô sang mùa mưa, dịch bệnh thường xuất hiện trên đàn gia súc, gia cầm.
Chăn nuôi heo theo mô hình an toàn sinh học được phát triển tại Cần Thơ
Sở NN&PTNT thành phố yêu cầu Trạm chăn nuôi và thú y tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn; khuyến cáo người dân khi phát hiện đàn gia cầm có biểu hiện bất thường cần báo ngay cho ngành chức năng để kịp thời xử lý, không giấu dịch để dẫn đến hậu quả lây lan trên diện rộng.
Ðịa phương chủ động giám sát dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn, nhất là những khu vực từng xảy ra dịch bệnh, khu vực có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn, xử lý dịch bệnh xuất hiện; phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y tiêm phòng bệnh cúm gia cầm, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và hướng dẫn phòng chống dịch bệnh trên tất cả các hộ chăn nuôi gia cầm…
Theo khuyến cáo của cán bộ thú y, hằng năm các vụ thu hoạch lúa hè thu, người dân có thói quen thả nuôi vịt chạy đồng (bắt ốc, lúa dưới ruộng), nếu các đàn vịt được thả trôi nổi không kiểm soát sẽ là nguy cơ xảy ra các ổ dịch bệnh gia cầm bùng phát trên diện rộng…
Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, cho biết, ngành chăn nuôi và thú y thành phố đặc biệt quan tâm và không thể lơ là trong công tác giám sát, tích cực phòng chống dịch bệnh. Ðối với đàn nuôi mới, đàn hết hạn miễn dịch sẽ sớm tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm. Mặt khác, tăng cường giám sát ổ dịch và vùng lân cận, theo dõi chặt tình hình chăn nuôi trên địa bàn…
Ðể chủ động phòng, chống nguy cơ xâm nhiễm và lây lan dịch COVID-19 và các loại mầm bệnh nguy hiểm ở động vật, nhất là đối với dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan cao, TP Cần Thơ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống. Trong đó, đơn vị chuyên môn tiếp tục rà roát, tổ chức tiêm ngừa, phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc trước các thời điểm có nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở quận, huyện (nơi có mật độ chăn nuôi cao, nơi có ổ dịch cũ…); hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi và tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng bảo vệ đàn vật nuôi; chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh xuất hiện; xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp giấu bệnh, không báo cáo kịp thời dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây hậu quả nghiêm trọng…
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT; UBND TP Cần Thơ.
Minh Châu