(Moitruong.net.vn) – Cần phải bàn bạc và tính toán thật kĩ về vấn đề phát triển đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mêkông để tránh việc đập thủy điện này uy hiếp đến an ninh nguồn nước khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại diễn đàn về an ninh nguồn sông Mêkông diễn ra tại Cần Thơ ngày 29/5 với sự tham dự của nhiều chuyên gia đến từ các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc…, vấn đề phát triển đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mêkông uy hiếp đến an ninh nguồn nước khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) một lần nữa được đưa ra bàn bạc.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn – Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Trường ĐH Cần Thơ, hiện có nhiều nguyên nhân đe dọa ĐBSCL liên quan đến nước và phù sa. Vấn đề đầu tiên là sự hình thành một loạt đập thủy điện từ Trung Quốc đến Lào. Có nhiều báo cáo của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế khẳng định là khi xây đập như vậy sẽ di dời hàng ngàn nhà cửa của người dân, làm thay đổi chế độ dòng chảy hạ lưu, làm mất đi hàng chục triệu tấn phù sa.
Vấn đề thứ 2 là vùng đất ngập nước bị thu hẹp. Một điều đáng chú ý là chuyện nước trên sông Mêkông vào mùa khô giảm mạnh. Lượng nước trung bình dòng chảy đến hạ lưu trung bình 2.500m3/s, nhưng có những năm khô hạn thì thấp hơn. Ghi nhận được tốc độ chảy thấp nhất 1.200m3/s.
Những tác động kể trên kết hợp và biến đổi khí hậu sẽ tạo ra tác động kép về dòng chảy, ô nhiễm, xâm nhập mặn và tăng sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Như vậy, vấn đề an ninh nguồn nước ĐBSCL là vấn đề cấp bách. Tất cả sản xuất ở ĐBSCL đều phụ thuộc vào nguồn nước và một khi an ninh nguồn nước mất đi thì an ninh lương thực bị đe dọa, an ninh xã hội bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Thắng Nam