Cẩn trọng với thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội

T.Minh (TH)|27/08/2017 13:22
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Các khách mời tham dự buổi tọa đàm

(Moitruong.net.vn) – Việt Nam hiện có gần 50 triệu người sử dụng Internet. Internet đã ứng dụng vào tất cả các ngành, các lĩnh vực, bên cạnh những tác động tích cực thì diễn biến này cũng kéo theo mặt trái là gia tăng tội phạm công nghệ cao.

toa damCác khách mời tham dự buổi tọa đàm

Để phần nào khắc phục tình trạng này, ngày 26/8, Báo Điện tử Tổ quốc đã  tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội hiện nay”. Khách mời của buổi tọa đàm gồm có: PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Lê Xuân Minh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an); PGS.TS Phạm Minh Sơn, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Ông Bùi Quang Minh, Giám đốc điều hành của SecurityBox.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cho biết, có hơn 500 vụ việc phát tán thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội tại Việt Nam đã được Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phát hiện và xử lý trong   6 tháng đầu năm 2017.

PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, thông tin sai trái, vu khống đã làm ảnh hưởng đến kinh tế, đặc biệt, nó có tác động vào niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Những trường hợp xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo, kẻ xấu thường sử dụng thủ đoạn lập lờ. Khi đó, đòi hỏi các cơ quan tư tưởng và cơ quan pháp luật phải phối hợp chặt chẽ và phải kịp thời bác bỏ.

Đồng quan điểm với PGS Quát, PGS.TS Phạm Minh Sơn cho biết, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ thủ đoạn chống phá chúng ta bằng nhiều hình thức tinh vi. Trước đây là truyền hình, báo chí, giờ đây là mạng Internet. Việt Nam là một trong những nước có số lượng người sử dụng internet rất lớn, đặc biệt thế hệ trẻ. Chúng cũng biết được điều này, do vậy chúng lợi dụng internet để tăng cường các thủ đoạn vu khống, bôi nhọ hình ảnh đất nước, hình ảnh lãnh đạo cấp cao của nước ta. Đặc biệt, trong giai đoạn này, nước ta đang triển khai xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, chúng càng tận dụng thời điểm này để bôi nhọ, vu khống lãnh đạo cấp cao. Điều này nằm trong kế hoạch âm mưu lâu dài của bọn chúng. Chúng tập trung nhằm vào giới trẻ để thực hiện âm mưu này.

Chúng ta đang chủ động phát triển công nghệ thông tin trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Con số 50% người Việt sử dụng internet là điều đáng mừng, góp phần tác động lớn đến phát triển khoa học công nghệ, tiếp nhận tri thức thông tin ngày càng đa dạng. Mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận thông tin hữu ích. Nhưng các thế lực đang lợi dụng điều này.

Ông Lê Xuân Minh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao cho biết: Những năm qua, lực lượng chức năng đã xác minh gần 500 trường hợp, con số năm sau luôn cao hơn năm trước. Đó là thách thức nhưng cũng là xu hướng phát triển chung. Tội phạm trong nước và quốc tế liên kết với nhau, ứng dụng sự phát triển cao của công nghệ, nguy cơ cao hơn, dự báo sẽ tiếp tục tăng, ảnh hưởng kinh tế, xã hội, an ninh đất nước. Một bộ phận lớp trẻ chưa nhận thức đầy đủ với hành vi tham gia trên mạng Internet, một bộ phận chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật, về môi trường mạng. Môi trường mạng không ảo, nếu tham gia mà không đủ thông tin, kiến thức sẽ không bảo vệ được bản thân. Bản thân bị đầu độc thông tin, bị lợi dụng, tham gia vào hệ thống mạng có khả năng gây ra các hành vi vi phạm pháp luật.

Do đó, mỗi người tham gia Internet và mạng xã hội đều cần nhận thức rõ vai trò của mình khi tham gia vào mạng xã hội, để ý thức và cẩn trọng đối với mỗi phát ngôn, mỗi hành vi của mình trên mạng xã hội. Từ đó, nhận biết những thông tin độc hại và cao hơn là có khả năng đấu tranh với luật điệu xuyên tạc, vấn đề nhân quyền, tự do báo chí, bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới Tổ quốc.

T.Minh (TH)

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cẩn trọng với thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.