Tai nạn đuối nước là một trong những mối lo ngại hàng đầu đối với trẻ em. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, có khoảng gần 2.000 trẻ em bị đuối nước mỗi năm. Đuối nước cũng là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ. Tỷ lệ trẻ em đuối nước tại Việt Nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Trong số đó, 53% trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương, biển… mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn.
Vừa qua, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam - bà Angela Pratt đã chia sẻ chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống đuối nước: “Ai cũng có thể bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng chống".
Bà Angela Pratt cũng thông tin, toàn thế giới có hơn 236.000 người tử vong vì đuối nước mỗi năm. Trong đó, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ suất đuối nước trẻ em rất cao.
“Việt Nam cần tập trung vào dạy cho trẻ em trong độ tuổi đến trường các kỹ năng bơi cơ bản, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và kỹ năng cứu nước an toàn” - Bà Angela Pratt nhấn mạnh.
Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), những năm gần đây, số trẻ tử vong do đuối nước có xu hướng giảm, mỗi năm cứu sống được gần 100 trẻ. Tuy nhiên, số lượng người tử vong vẫn cao. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ như dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Phó chủ tịch Hiệp Hội Thể thao dưới nước phụ trách phòng chống đuối nước Việt Nam - ông Cấn Văn Nghĩa cũng cho biết, tai nạn đuối nước trên thế giới mỗi năm đã cướp đi sinh mạng của gần một triệu trẻ em. Đối với Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, số vụ tai nạn đuối nước đã giảm 50 % từ gần 4.000 xuống còn 2.000 vụ. Tuy nhiên so với các nước trong khu vực, Châu lục và thế giới thì nước ta vẫn nằm ở con số cao. Vì vậy năm 2016, Thủ tướng đã có chỉ thị 17 về tăng cường chỉ đạo và thực hiện phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em và học sinh.
Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, để làm tốt hơn nữa thì các bộ ngành, UBND các tỉnh thành phố phải chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần triển khai việc xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để đưa phổ cập môn bơi vào trong hệ thống giáo dục cùng môn học thể chất, để nâng cao phổ cập bơi cho trẻ em, học sinh.
Ghi nhận thực tế, trong thời gian vừa qua, liên tục xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, ngày 23/4, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra một vụ đuối nước khiến một em nhỏ tử vong.
Gần đây nhất chiều ngày 29/4, một nhóm gồm 5 học sinh rủ nhau ra bờ sông Hồng, dưới chân cầu Vĩnh Tuy, phía quận Long Biên để bơi, không may xảy ra tai nạn khiến 2 em bị đuối nước. Đến khoảng 16h15 cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 2 em dưới sông đưa lên bờ.
Theo lực lượng cứu hộ, tại khu vực xảy ra tai nạn, mặc dù nước xuống thấp, lộ rõ nhiều bãi bồi nhưng do các em học sinh thiếu kỹ năng nên xảy ra sự việc thương tâm.
Các chuyên gia nhận định, những nguyên nhân đuối nước của trẻ lớn thường do bản tính hiếu động, tò mò; đối với trẻ nhỏ là do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. Dù trẻ em không biết bơi hay biết bơi, nếu chủ quan thì cũng không lường trước hết được sự nguy hiểm khi tai nạn xảy ra.
Ngoài ra, môi trường sống xung quanh cũng luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước... không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước... không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm.
Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng các công trình, khai thác cát, đất đá tràn lan,... đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm như hố vôi tôi, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… cũng là những nơi dễ gây tai nạn đuối nước.
Tai nạn do đuối nước có thể xảy ra trong các trường hợp: ngạt nước, những người không biết bơi ngã xuống nước, hoặc trẻ em ngã cắm đầu vào chậu nước hay bồn tắm; ngất đột ngột khi vừa tiếp xúc với nước; lặn sâu dưới nước khi hết hơi không ngoi lên kịp bị ngạt; bơi quá mệt, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút rồi ngất đi...
“Để phòng tránh tai nạn đuối nước, cần hướng dẫn trẻ em tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm. Đặc biệt, các hố ao sâu gây nguy hiểm như hố vôi tôi, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… cũng cần phải tránh xa. Trẻ em tắm bể bơi, tắm biển, tắm sông nên mặc áo phao và phải có cha mẹ hoặc người lớn đi cùng để trông coi” - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam chia sẻ.
Trước thực trạng những vụ đuối nước ở trẻ em và học sinh của nước ta vẫn còn cao, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam phụ trách phòng chống đuối nước cũng đưa ra những khuyến cáo đối với các bậc cha mẹ phụ huynh, các cấp ủy Đảng chính quyền từ trung ương đến địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống đuối nước, giáo dục học sinh và các bậc phụ huynh nhận thấy rõ tác dụng của phòng chống đuối nước, đặc biệt là trong các dịp nghỉ hè để nâng cao thể chất và giảm thiểu tai nạn đuối nước cho các cháu.
Bên cạnh việc phòng tránh tai nạn đuối nước thì xử lý khi gặp tai nạn đuối nước cũng vô cùng cần thiết, đây là một trong những quyết định đến việc cứu sống kịp thời nạn nhân hay không. Tuy nhiên thì không phải ai cũng biết cách xử lý, nhất là những người không biết bơi. Do vậy, khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng cách đưa cánh tay hoặc cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng... và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn.
Để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra cho bản thân và những người thân trong gia đình về tai nạn đuối nước, người dân cần cảnh tỉnh, đồng thời trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết về phòng tránh đuối nước để không xảy ra những sự việc đáng tiếc. Bên cạnh đó, để giảm thiểu nguy cơ đuối nước ở trẻ em, cần sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và xã hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam phụ trách phòng chống đuối nước cho biết.
5 bước cấp cứu trẻ đuối nước đúng cách
Bước 1: Gọi trợ giúp: cần nhanh chóng tìm sự trợ giúp của những người xung quanh khi thấy trẻ bị đuối nước bằng cách gọi to, gọi cấp cứu 115.
Bước 2. Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước bằng mọi cách: đây là bước rất quan trọng, có hai phương pháp là cứu đuối gián tiếp và cứu đuối trực tiếp.
Cứu đuối gián tiếp: là sử dụng các dụng cụ cứu đuối sẵn có (phao, dây, gậy, quần áo, các vật có thể nổi trên nước,…) để cứu người trẻ đuối nước khi vẫn còn đang tỉnh. Tùy theo tình hình, tính chất của mỗi trường hợp cụ thể mà người cứu đuối lựa chọn phương án cứu để phù hợp, an toàn và hiệu quả.
Cứu đuối trực tiếp: là xuống nước, bơi đến cứu nạn nhân; cứu đuối trực tiếp nên dành cho đối tượng cứu hộ chuyên nghiệp, được đào tạo có đủ sức khỏe và năng lực ở thời điểm thực hiện hoặc đối tượng không chuyên có kỹ năng bơi và cứu đuối.
Bước 3. Kiểm tra xem trẻ có thở không và có tỉnh không
Khi trẻ được đưa lên bờ, ngay lập tức xem trẻ có thở không bằng cách: nhìn lồng ngực của trẻ có di động không? Đặt tai của bạn gần miệng và mũi trẻ có cảm thấy không khí thở ra của trẻ ở trên má của bạn không? (thở ngáp được xem là không thở). Trong khi kiểm tra hơi thở, bạn cũng có thể lay gọi trẻ để xem đứa trẻ có phản ứng không.
Bước 4. Nếu trẻ không thở, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR) ngay:
Cẩn thận đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng.
Nếu nghi ngờ chấn thương cổ: hãy di chuyển trẻ trẻ bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể (đầu, cổ, cột sống và hông) với nhau, giữ cho tất cả chúng thẳng hàng; không ngửa đầu nâng cằm, chỉ cần ấn góc hàm.
Nếu không nghi ngờ chấn thương cổ: Giữ đầu trẻ ngửa ra sau và nâng cằm để thông đường thở (kỹ thuật ngửa đầu – nâng cằm).
Thổi ngạt: Với trẻ nhỏ, đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của trẻ để thổi ngạt được kín. Với trẻ lớn hơn, một tay ép cánh mũi và đưa miệng của bạn thổi vào miệng của trẻ. Thổi chậm, đều trong 1- 2 giây và ngực của trẻ sẽ phồng lên, thổi ngạt 5 nhịp thở đầu tiên.
Hà hơi thổi ngạt cho trẻ
Ép tim ngoài lồng ngực: Ngay sau thổi ngạt 5 nhịp đầu tiên, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Sử dụng một tay đặt vuông góc với lồng ngực, (trẻ lớn/người lớn có thể dùng hai tay).Vị trí ép tim: 1/2 dưới xương ức, ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 -1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau. Tốc độ ép tim 100 -120 lần/phút. Những lần tiếp theo tiếp tục thực hiện theo chu kỳ 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt. Tiếp tục ép tim và thổi ngạt liên tục (cả trong quá trình vận chuyển cấp cứu) cho tới khi trẻ tự thở lại được, hồng hào trở lại.
Ép tim ngoài lồng ngực
Bước 5: Sau khi nạn nhân tỉnh cần đặt nạn nhân ở tư thế an toàn: Nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại. Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của nhân viên y tế.