(Moitruong.net.vn) – Sau vụ cháy tại chung cư Carina Plaza khiến 13 người thiệt mạng. Gần đây nhất, ngày 1/4 tại chung cư Parc Spring xảy ra hỏa hoạn do cắm sạc dự phòng quá lâu, sinh nhiệt gây cháy. Thật không ngờ những vật dụng quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của lại luôn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ.
Bình gas
Bếp gas được coi là một vật dụng phổ biến trong căn bếp của nhiều gia đình. Tuy nhiên, đây được cho là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra những vụ nổ lớn. Các vụ nổ bình gas chủ yếu do khí gas bị rò rỉ. Bản thân khí gas không thể gây cháy nổ.
Cháy nổ là do khí gas kết hợp với oxy trong không khí tạo thành hỗn hợp cháy và chỉ cần ở trong nhiệt độ cao phù hợp hoặc có tia lửa phát ra khi bật công tắc bật đèn, quạt, điện thoại, giày cao gót có kim loại tiếp với mặt sàn… thì rất dễ xảy ra cháy nổ lớn.
Pin, sạc dự phòng
Sạc, pin dự phòng của điện thoại là một thiết bị tích điện dùng để cung cấp năng lượng cho pin chính của máy bạn.
Cấu tạo chung của những viên pin năng lượng, cụ thể ở đây, 1 cell Pin Lithium-ion được cấu tạo bởi rất nhiều tấm mang điện tích trái dấu xếp chồng lên nhau và phân tách nhau bởi những lớp cách điện. Nhưng do 2 điện cực trái dấu chỉ được phân tách bởi 1 tấm cách điện mỏng, nên trong trường hợp đặc biệt, những tấm này bị hỏng và điện tích được dẫn trực tiếp qua các bản cực trái dấu, toàn viên Pin sẽ nóng lên nhanh chóng và gây cháy nổ.
Bật lửa
Bật lửa là vật dụng quen thuộc với nhiều đấng mày râu, nhưng chúng lại là một nguồn phát nổ tiềm ẩn mà ít người để ý. Cụ thể, trong bật lửa gas có chứa một lượng gas nhất định, khi gas trong bật lửa bị rò rỉ (do nứt vỏ nhựa, hở van…) ra môi trường xung quanh (có khí oxy), gặp môi trường nhiệt độ đủ cao hay có tia lửa điện (dù rất nhỏ) có thể gây hiện tượng cháy nổ, gây hại cho người sử dụng.
Tủ lạnh
Ngày nay, tủ lạnh đã trở thành vật dụng không thể thiếu đối với nhiều gia đình vì sự tiện ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, vật dụng này cũng tiềm ẩn nguy cơ phát nổ rất lớn trong nhà bạn.
Và nguy cơ tủ lạnh nổ lớn nhất thường xảy đến với những tủ lạnh đã cũ hoặc do sửa chữa nhiều lần khiến cho hệ thống làm mát của tủ giảm. Theo các chuyên gia thì, khi tủ lạnh hoạt động, máy nén với chức năng chuyển gas từ dạng khí sang dạng lỏng rồi cho gas tuần hoàn làm lạnh tủ, là loại kín nên các cuộn dậy có thể bị chập điện gây ra tia lửa điện bắt vào gas gây cháy nổ.
Các loại bình xịt nén khí
Các loại bình xịt nén khí như bình xịt muỗi, nước hoa… đều chứa hỗn hợp dễ bay hơi và dễ cháy. Tuyệt đối không sử dụng các bình xịt gần bếp hoặc nơi có chập cháy, vì chỉ một tia lửa nhỏ cũng có thể khiến nó bắt lửa, gây cháy nổ. Tránh để các loại vật dụng này ngoài trời nắng, và không sử dụng khi gần tủ lạnh cũng như bếp gas.
Bóng đèn dây tóc
Các chuyên gia cảnh báo, bóng đèn dây tóc khi hoạt động quá tải có thể bị nổ tung. Ngoài ra, vào lúc bóng đèn đang nóng, chỉ một giọt nước rơi lên bề mặt thủy tinh của bóng cũng khiến bóng đèn nổ tung gây tổn thương không mong muốn nếu người dùng đang ở gần. Ngoài ra, đối với những bóng đèn không đạt chuẩn, với việc bật/tắt liên tục bóng đèn cũng khiến bóng cháy nổ.
Để đảm bảo an toàn PCCC và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, người dân cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC sau đây:
Trong quá trình sinh hoạt người dân không nên để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở gần nơi đun nấu, lối ra cửa chính.
Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong phòng, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ với số lượng ít nhất; xe máy các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín.
Tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Thường xuyên kiểm tra, thay thế đường dây dẫn điện đã cũ, hỏng; lắp đặt các thiết bị bảo vệ như cầu chì, dơ le, attomat … cho từng khu vực.
Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong khi di chuyển cần cúi thấp người (có thể bò khom), đặc biệt chú ý khi có trẻ em thoát nạn, cần sử dụng khăn, vải nhúng ướt bịt mũi hoặc trùm chăn ướt lên người trẻ nhỏ trong quá trình di chuyển thoát nạn để hạn chế khói khí độc xâm nhập vào đường hô hấp và bị bỏng do lửa gây ra;
Báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PC&CC theo số điện thoại 114, đồng thời sử dụng trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy ngay tại thời điểm ban đầu.
Hân Hân (T/h)