Cát tặc ở Quảng Nam – Bài 2: “Dân kêu, nhà báo viết, chính quyền vẫn không biết”

Đức Huy|01/01/2019 08:48
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Quảng Nam: Cần xử lý nghiêm nạn khai thác cát trái phép ở bãi bồi sông Thu Bồn

– Quảng Nam là địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh rạch rất đa dạng, giàu tài nguyên, nhất là tài nguyên khoáng sản cát sỏi. Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản cát, sỏi tại địa phương hiện còn nhiều bất cập, tồn tại. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ ra được căn bệnh khiến khoáng sản, cát, sỏi đang bị chảy máu, nhưng thực tế lại không có biện pháp để chữa căn bệnh này.

>> Đột nhập “bến cát Thạch Sanh” ở Quảng Nam

>>> TP. Hồ Chí Minh: Công ty nệm Vạn Thành xả khí thải “bức tử” môi trường

Đã bắt đúng bệnh

Trong văn bản chỉ đạo số: 3219/UBND – KTN do Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ký ngày 15/6/2018 về việc “thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, cát sỏi trên sông Vu Gia, Thu Bồn” nêu rõ: “Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn chưa chấm dứt, trọng tâm thuộc các địa bàn: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên. Các đối tượng lợi dụng địa hình sông nước, khu vực giáp ranh, đêm tối khó kiểm soát để hoạt động khai thác cát trái phép và sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để theo dõi, đối phó với các cơ quan chức năng, gây khó khăn, trở ngại cho công tác kiểm tra, truy quét, xử lý. Ngoài ra, còn tình trạng bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ chức năng trong bộ máy cơ quan Nhà nước và chủ doanh nghiệp được cấp phép” dẫn đến “một số bến, bãi không có giấy phép, hồ sơ môi trường, không nằm trong quy hoạch vẫn ngang nhiên hoạt động. Các đối tượng lợi dụng bến thủy nội địa và bãi tập kết để khai thác, tàng trữ cát sỏi trái phép. Việc đăng ký, đăng kiểm, quản lý người và phương tiện vận tải cát sỏi trên sông còn nhiều bất cập”.

Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ rõ những sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về Khoáng sản trên địa bàn

UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do: “công tác quản lý Nhà nước đối với tài nguyên cát sỏi còn bất cập, chưa thể hiện sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị; tại nhiều địa phương, chính quyền cấp cơ sở còn buông lỏng, chưa thường xuyên kiểm tra, thiếu kiên quyết trong xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, còn có biểu hiện dung túng bao che hành vi vi phạm; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự hiệu quả”…

Những khó khăn, bất cập, buông lỏng, dung túng, bao che của một bộ phận cán bộ chức năng trong bộ máy cơ quan Nhà nước đã gây hậu quả: “ làm thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách Nhà nước; tốn công sức các ngành, các cấp vào quản lý lĩnh vực này, tác động xấu đến môi trường, gây mất an toàn giao thông đường thủy, mất an ninh trật tự, đặc biệt là làm mất lòng tin của nhân dân.

Nhưng khó chữa bệnh

Mặc dù UBND tỉnh Quảng Nam đã tự bắt được “bệnh” và đưa ra một loạt giải pháp để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Vu Gia, Thu Bồn thông qua công văn 3219/UBND- KTN. Tuy nhiên theo phản ánh của một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh cát sỏi cùng một số người dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng của “cát tặc” thì Công văn 3219/UBND- KTN còn mang nặng tính hình thức, chưa rõ ràng, có quy định “mở” để cán bộ thừa hành nhiệm vụ có điều kiện nhũng nhiễu doanh nghiệp. Đặc biệt, trong công văn  có thừa nhận xảy ra tình trạng cán bộ buông lỏng, dung túng, bao che cho “cát tặc” nhưng lại không quy trách nhiệm hoặc các hình thức xử lý đối với địa phương để xảy ra tình trạng cán bộ “bắt tay” với “cát tặc” hoặc để xảy ra tình trạng “cát tặc” hoành hành.

Bãi tập kết gần chân cầu Bình Long, xã Điện Phước hoạt động thâu đêm trong nhiều năm liền mà chính quyền không biết

Một doanh nghiệp ở Vĩnh Điện bức xúc phản ánh với phóng viên: tại khoản a, điều 2 trong công văn có yêu cầu đối với doanh nghiệp được cấp phép khai thác và chủ bến: “phải có đường vận chuyển kết nối bãi tập kết vật liệu đến đường công cộng rộng tối thiểu 2 làn xe và cứng hóa mặt đường”. Việc cứng hóa mặt đường thì khá rõ, tuy nhiên “rộng tối thiểu 2 làn xe” thì quá “mở”, cán bộ thừa hành muốn hiểu sao cũng được. Có thể hiểu là phải có tối thiểu hai con đường và 2 làn xe riêng biệt, hoặc có thể hiểu là 1 con đường nhưng có 2 làn xe, đi ngược chiều có thể đủ để tránh nhau. Trong khi chỉ cần quy định chiều rộng tính bằng đơn vị mét là được. Chính vì sự không rõ ràng này sẽ tạo điều kiện cho các cán bộ thừa hành nhiệm vụ có điều kiện “hành thừa”, nghĩa là hành doanh nghiệp thừa sống thiếu chết.

Cát tặc hoành hành tại bãi tập kết cát Viêm Trung phải chăng do cán bộ bao che, tiếp tay như đã nêu trong Công văn 3219/UBND- KTN

Theo tìm hiểu của phóng viên, cũng trong điều 2 của công văn có quy định rất rõ trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp, chủ bến bãi  như: lắp camera giám sát, có hệ thống tưới nước mặt đường và rửa xe cho các phương tiện vận chuyển trước khi rời khỏi bến; thông báo bằng văn bản về tên, chủng loại, số hiệu, biển kiểm soát, công suất máy (hoặc khối lượng vận chuyển), mục đích sử dụng, chủ sở hữu của máy móc, thiết bị, phương tiện khai thác khoáng sản, vị trí bãi tập kết… Đến ngày 1/7/2018, nếu các bến bãi không đảm bảo các nội dung nêu trên thì bị đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, theo điều tra riêng và ghi nhận của của phóng viên moitruong.net.vn thì rất nhiều bến, bãi cho đến tháng 12/2018 vẫn không đáp ứng đầy đủ hoàn toàn các tiêu chí nêu trong mục 2 nhưng vẫn không bị đình chỉ. Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: Đại Lộc là một trong những địa phương thực hiện khá tốt việc quản lý mỏ, bến bãi tập kết cát sỏi. Dù vậy, trong thực tế có rất ít doanh nghiệp, chủ bến bãi đáp ứng đầy đủ được các quy định trong Công văn 3219/UBND-KTN.

“Cả hệ thống chính trị không phát hiện”

Ông P.T.T, trú tại xã Điện Hồng (Điện Bàn) chia sẻ: “không hiểu sao chính quyền và các cơ quan chức năng lại bất lực trước “cát tặc”?. Trước đây, đến khó như cấm pháo trong toàn quốc còn cấm được, còn cát tặc sao lại không cấm được?”. Sau đó ông T lấy ví dụ rất sinh động: “thử so sánh hoạt động khai thác cát lậu với đốt pháo nhé: pháo và tàu đều gây ra tiếng động lớn; pháo dễ cất giấu, dễ sử dụng nên nhiều người sử dụng, còn tàu to gấp hàng triệu lần, khó cất giấu và chỉ một số nhóm nhỏ người sử dụng, ấy vậy mà lại khó cấm, có lẽ vì khai thác cát lậu ra tiền nên nhiều đôi tai bị điếc, đôi mắt bị mù, còn đốt pháo không ra tiền nên dễ cấm chăng?”. Ông T hỏi đầy cay đắng.

Ngang nhiên tập kết cát giữa đêm khuya, mặc dù dân kêu, nhà báo viết nhưng chính quyền vẫn không biết?

Ông N.T.L là một đảng viên có hơn 20 năm tuổi Đảng trú tại đội 9, xã Điện Phước cho biết: “Quảng Nam có hệ thống chính trị, từ cấp tổ đội, cấp thôn khối đến cấp xã phường, cấp huyện thị, cấp tỉnh. Tuy nhiên, khi người dân báo lên thì chính quyền đều “ không biết, không thấy”. Trong khi đó nhà báo ở Đà Nẵng, thậm chí là Hà Nội vào lại phát hiện ra, có bài viết, hình ảnh thực tế ngay. Như vậy là “dân kêu, nhà báo viết, chính quyền vẫn không biết, việc này đã dẫn tới giảm sút lòng tin của người dân nơi chính quyền tỉnh Quảng Nam”. Ông L chua xót nói.

“Trong công văn 3219/ UBND-KTN cũng không đề cấp đến việc xử lý trách nhiệm nếu các cấp chính quyền buông lỏng quản lý, tiếp tay cho cát tặc. Tôi đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các đối tượng này. Đơn cử, nếu địa phương nào để người dân, báo chí phát hiện để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, có hình ảnh, địa điểm rõ ràng, từ 3 lần trở lên sẽ kỷ luật chủ tịch, phó chủ tịch cấp xã, phường; chủ tịch, phó chủ tịch huyện, thị xã, thậm chí là tỉnh cũng phải bị liên đới”. Ông L đề nghị.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Đức Huy


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cát tặc ở Quảng Nam – Bài 2: “Dân kêu, nhà báo viết, chính quyền vẫn không biết”