(Moitruong.net.vn) – Với niềm đam mê Sơn Trà và bản tính “ghét” rác, Đào Đặng Công Trung được mệnh danh là thanh niên nhặt rác ‘lịch sự nhất Sơn Trà’.
Hình ảnh thường thấy của Trung trong ống kính của những người mê Sơn Trà
Công Trung là người gốc ở Hội An, phải lòng Sơn Trà đã hơn chục năm. Thời điểm Sơn Trà bắt đầu có khách du lịch, rác khắp nơi. Trung theo thói quen, thấy rác là nhặt, có khi tay xách nách mang nửa tạ rác xuống núi. Người không quen đều nghĩ anh làm công nhân vệ sinh. Có người còn thắc mắc trên facebook: sao ở Sơn Trà không có xe chở rác chuyên dụng mà lại chở bằng xe Dream?
Nói về cái duyên với Sơn Trà, anh Trung chia sẻ: “Năm 2011 em mới có duyên được ở trên Sơn Trà hàng ngày khi nhận nhiệm vụ điều hành các hoạt động giải trí của công ty tại đây, nên cứ trước hoặc sau giờ làm là đi một vòng để ngắm cảnh giải căng thẳng cũng như quan sát xem có điều gì mới mẻ của thiên nhiên nơi đây. Cứ vậy rồi quen, rồi nghiện, rồi cũng nhận thấy rằng, Sơn Trà rất đẹp, nhưng ngày càng bị làm bẩn đi bởi rác thải, chai lọ, túi nilong mà người dân, du khách để lại”.
Mỗi ngày bình quân Trung nhặt được chừng 10-15kg, đỉnh điểm là 30kg rác thải gồm: chai lọ, bao nilong,… Ban đầu Trung cho tất cả vào các thùng rác được đặt tại các điểm thu gom. “Nhưng nghĩ lại, rác này có thể tái chế, có thể sử dụng được nên gom lại, rồi bán lấy tiền ủng hộ vào các hoạt động thiện nguyện lo cho các em vùng cao, những hoàn cảnh khó khăn lại thấy càng ý nghĩa. Nghĩ lại việc nhỏ, rác nhặt cũng không nhiều, nhưng giúp Sơn Trà giữ được môi trường sạch đẹp, không nguy hiểm cho các loài động vật và giúp khách du lịch thoải mái khi lên Sơn Trà và nâng cao thêm ý thức giữ gìn môi sinh là cảm thấy vui!”, Trung chia sẻ thêm.
Trung bình mỗi tuần Trung lên Sơn Trà hai ba lần, có lần đi cùng bạn, đa số đi một mình. Không lần nào về tay không, ít nhất 10kg. Vỏ chai, túi nylon, quần, áo, nón, mũ, bi xe, mảnh vỡ… Trung bảo nhặt được không thiếu thứ gì. Có đoạn, vì bận việc ít lên, Trung thấy rác nhiều đến khó thở. Thế là định ra những chuyến gom rác định kỳ, ba lần mỗi tuần, có chia tuyến rõ ràng.
Hình ảnh “hiệp sĩ rác” được nhiếp ảnh gia và nhà thơ đưa đi đưa lại trên facebook, Trung đã tạo cảm hứng cho cả một “đội quân” tình nguyện nhặt rác ở Sơn Trà. Một số người bảo: sở dĩ bây giờ Sơn Trà sạch hơn là vì “đội quân” này, chứ không phải vì các công ty môi trường đô thị.
Anh đề ra nguyên tắc cho khách hàng sử dụng dịch vụ của công ty mình: không mang theo bất cứ loại rác nào ra biển, đảo. Thay vào đó, anh phát túi cói cho khách, cần mang thứ gì thì cho vào túi cói. Kết thúc một tour, anh lại vận động mọi người dành mười phút để dọn rác.
Hoài Thu (t/h)