Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2020

Lê Anh (t/h)|02/02/2020 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bãi bỏ nhiều quy định liên quan đến cán bộ công chức, Đại học phải công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp,… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2.

Lập chứng từ giả chi ngân sách Nhà nước bị phạt đến 40 triệu đồng

Để hướng dẫn các hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 87/2019/TT-BTC.

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 với mức phạt cao nhất dành cho hành vi lập hồ sơ, chứng từ giả để chi ngân sách Nhà nước nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Cụ thể:

– Phạt tiền 12,5 triệu đồng nếu lập chứng từ giả mạo để thanh toán, chi trả các khoản chi thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia…

– Phạt tiền 40 triệu đồng để thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu…

Đại học buộc phải công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp

Nghị định 99/2019 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/2 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nêu rõ, các trường Đại học phải chịu trách nhiệm trước người học về việc bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật.

Đại học buộc phải công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, trường đại học còn phải công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử các nội dung: Sứ mạng, tầm nhìn của cơ sở giáo dục đại học; các quy chế, quy định nội bộ; quy mô đào tạo và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp…

Đưa vật thể nhiễm sinh vật làm lây lan dịch bị phạt đến 30 triệu đồng

Nghị định 04/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 18/2 sửa đổi, bổ sung một số điều quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ, kiểm dịch thực vật.

Về lĩnh vực thú y, nghị định nêu rõ mức phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối hành vi: Đưa vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm sinh vật gây hại từ vùng công bố dịch sang vùng khác làm lây lan dịch, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên nhưng không đến mức khởi tố. Quy định hiện hành người vi phạm chỉ bị phạt từ 6 đến 12 triệu đồng.

Bãi bỏ nhiều quy định liên quan đến cán bộ, công chức

Cũng có hiệu lực từ 1/2, Thông tư 15 của Bộ Nội vụ bãi bỏ một số Thông tư liên tịch liên quan đến cán bộ, công chức, gồm:

– Thông tư liên tịch số 54 năm 1999 hướng dẫn điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu, mức trợ cấp và mức sinh hoạt phí với người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước.

– Thông tư liên tịch số 72 năm 2000 hướng dẫn điều chỉnh mức lương tối thiểu, mức trợ cấp và sinh hoạt phí với người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước.

– Thông tư liên tịch số 125 năm 1995 hướng dẫn bàn giao nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự bảo hiểm xã hội của hệ thống lao động, thương binh và xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Áp dụng quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Nghị định 06 của Chính phủ ban hành ngày 3/1/2020 về sửa đổi Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có hiệu lực thi hành từ 20/2.

Quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được áp dụng từ 20/2.

Theo đó, đối với việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung nội dung “Dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” vào Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung thì trong Khung chính sách phải bao gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó.

Đối với dự án đầu tư đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án trước ngày 20/2 tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 47.

Công khai biên bản mở thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Nội dung mới này được nêu tại Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT quy định cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng…

Theo đó, Điều 14 Thông tư này nêu rõ, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải được phát hành trên Hệ thống ngay sau khi đăng tải thành công thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng.

Đồng thời, bên mời thầu phải tiến hành mở thầu và công khai biên bản mở thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong thời hạn không quá 02 giờ kể từ thời điểm đóng thầu.

Nếu đến lúc đóng thầu không có nhà thầu nộp hồ sơ, bên mời thầu có thể gia hạn thời điểm đóng thầu hoặc tổ chức đấu thầu lại…

Lê Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2020