(Moitruong.net.vn) – Đất nông nghiệp màu mỡ bị biến thành đất sỏi khô cằn, người dân phải ngậm ngùi bỏ đất đi thuê đất ở nơi khác sản xuất. Đó là thực trạng mà một số hộ dân tại thôn Kà Nhảy, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) đang gặp phải sau khi cho Công ty CP Thép Đông Á mượn đất canh tác để khai thác vàng trong thời hạn 3 – 4 năm.
Đất nông nghiệp giờ đây đã trở thành đất sỏi đá, người dân ngậm ngùi bỏ hoang
Cụ thể, năm 2012, 27 hộ dân tại thôn Kà Nhảy, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi đã cho Công ty CP Thép Đông Á mượn đất canh tác để khai thác vàng trong thời hạn 3 – 4 năm với lời hứa khai thác xong sẽ hoàn thổ, trả lại đất sản xuất. Thế nhưng, đến nay, người dân vẫn dài cổ chờ hoàn thổ. Đất nông nghiệp màu mỡ trở thành đất sỏi đá, trồng trọt không được, người dân đành phải ngậm ngùi bỏ hoang.
Sau khi được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 845/GP–UBND ngày 31/8/2011 cho phép khai thác vàng sa khoáng tại sông Pô Kô, thuộc địa bàn xã Đăk Kroong, xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) và địa bàn xã Đăk Dục, xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi), Công ty CP Thép Đông Á đã mượn đất của các hộ dân, trong đó có 27 hộ tại thôn Kà Nhảy, xã Đăk Nông để khai thác vàng với lời hứa sẽ hoàn thổ sau khai thác.
Sau quá trình khai thác, ngày 29/8/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành công văn số 1071/STNMT-KS về việc chấm dứt hiệu lực các giấy phép khai thác vàng của Công ty CP Thép Đông Á. Theo đó, Sở đã yêu cầu Công ty này dừng mọi hoạt động khai thác khoáng sản; thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định của pháp luật.
Ngay sau đó, ngày 1/9/2016, UBND huyện Ngọc Hồi cũng ban hành văn bản số 1067/UBND-TH, yêu cầu Công ty CP Thép Đông Á dừng tất cả các hoạt động khai thác vàng sa khoáng trên địa bàn huyện, khẩn trương hoàn thổ, cải tạo, phục hồi môi trường tại những vị trí khai thác. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cùng UBND các xã Đăk Ang, Đăk Dục và Đăk Nông có trách nhiệm giám sát việc hoàn thổ này.
Tuy nhiên, đã 2 năm trôi qua, Công ty đã “rút” khỏi địa phương và mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ, các hộ dân vẫn dài cổ chờ hoàn thổ.
Theo Báo Kon Tum