Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ

07/05/2022 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những người chỉ đạo Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử với chiến thắng ngày 7/5/1954.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN).

Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến dịch Điện Biên Phủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc; trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Người cũng là vị chỉ huy tối cao. Trong suốt thời gian chỉ huy chiến dịch, Bác Hồ đã tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao không chỉ trên chiến trường Điện Biên Phủ mà trên cả các chiến trường phối hợp trong cả nước nhằm phục vụ cho việc giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn của Đảng ta trong việc vạch ra đường lối, chủ trương kháng chiến đúng đắn, sáng tạo và là người chỉ đạo sát sao, giáo dục động viên, cổ vũ kịp thời quân dân ta trong suốt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 10/1953, trong buổi họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở Tỉn Keo, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên bàn về kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953-1954, do Bác Hồ chủ trì, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày về ý đồ táo tợn của tướng Pháp H.Nava là tập trung một lực lượng cơ động rất lớn ở đồng bằng Bắc Bộ để khiêu chiến, làm tiêu hao chủ lực của ta, tạo điều kiện để giành quyền chủ động và tiến tới giành một thắng lợi quyết định trong vòng 18 tháng.

Bác nghe chăm chú rồi nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo sức mạnh. Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn.” Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng. Theo tư tưởng chỉ đạo ấy, ta đã nghiên cứu kế hoạch Đông Xuân, cho những bộ phận chủ lực của ta tiến về 5 hướng chiến lược nhằm những nơi hiểm yếu và tương đối yếu của địch, chọn hướng chính là Lai Châu ở Tây Bắc.

Tháng 1/1954, Bác đã căn dặn thêm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước ngày đồng chí ra mặt trận: “Cần nắm chắc nghị quyết của Trung ương và chủ trương của Bộ Chính trị là: “Đánh chắc thắng.”

Bác đã tặng cờ “Quyết chiến Quyết thắng” làm giải thưởng luân lưu để khích lệ mọi người, lập công trong chiến dịch. Tết đến, Bác đã gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sỹ ở mặt trận một chiếc ca rất đẹp có in đậm hai hàng chữ đỏ tươi: “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ.”

Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, một cuộc đọ sức toàn diện nhất, quyết liệt nhất giữa ta và địch. Thắng, bại của quân dân ta trong chiến dịch này sẽ có ảnh hưởng lớn đối với dân tộc ta và nhân dân thế giới đang chiến đấu vì độc lập, tự do. Vì vậy, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải có quyết tâm và nỗ lực rất cao.

Trong thư gửi đồng chí Võ Nguyên Giáp tháng 12/1953, Bác Hồ viết: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được.”

Đầu tháng 1/1954, trước khi lên đường ra mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát chào Bác. Bác hỏi: “Chú ra mặt trận lần này có khó khăn gì không?” Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Chỉ khó khăn là xa hậu phương nên khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết thì khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị.”

Bác nói: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền.” Khi chia tay, Bác nhắc: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng; chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.”

Những lời dặn dò của Bác là tư tưởng chỉ đạo giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có căn cứ để xử trí trong quá trình chỉ huy trận đánh.

Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu chiến sĩ Điện Biên. Ảnh tư liệu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo tư tưởng Bác Hồ – đã gọi điện cho các binh chủng thông báo chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và các đơn vị tùy điều kiện cụ thể mà sử dụng binh lực tiêu diệt, tự giải quyết hậu cần…

Cũng vào thời gian trên, trong thư gửi cán bộ và chiến sỹ Mặt trận Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: các cán bộ và chiến sỹ ta “Phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: Quyết tâm tiêu diệt địch; Quyết tâm giữ vững chính sách; Quyết tâm giành nhiều thắng lợi.”

Quyết tâm chiến lược của Đảng, của Bác Hồ, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, đã biến thành ý chí và hành động của toàn quân và dân ta.

Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, pháo binh quân đội ta bắn dồn dập vào khu sân bay Mường Thanh và cả 3 cứ điểm của Trung tâm đề kháng ở Him Lam, mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã đặc biệt chăm lo giáo dục tinh thần quyết tâm chiến đấu cho bộ đội.

Ngay sau Hội nghị Bộ Chính trị bàn về chủ trương tác chiến Đông-Xuân 1953-1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác đã huấn thị cho cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến dịch: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Các chú phải đánh cho thắng. Tất cả các chú, cán bộ cũng như chiến sỹ đều phải: Quyết tâm chiến đấu, triệt để chấp hành mệnh lệnh; Bền bỉ dẻo dai, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn; Tiêu diệt thật nhiều địch, giành cho được toàn thắng.”

Sức mạnh chiến đấu của quân đội được tạo thành bởi tổng hợp các yếu tố giữa con người và vũ khí, giữa các nhân tố chính trị tinh thần với trình độ tổ chức chỉ huy… trong đó nhân tố chính trị tinh thần, trước hết là ý chí quyết tâm chiến đấu, đóng vai trò rất to lớn.

Bác phân tích một cách sâu sắc rằng: “Quyết tâm của Trung ương chưa đủ, còn phải để cho các chú cân nhắc kỹ thấy rõ cái dễ và cái khó để truyền cái quyết tâm đó cho các chú. Trung ương và các chú quyết tâm cũng chưa đủ, mà phải làm cho quyết tâm đó xuống đến mọi người chiến sỹ… Quyết tâm đó phải thành một khối thống nhất từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.”

Đồng thời, Bác cũng luôn thể hiện sự quan tâm, động viên, dạy bảo ân cần đối với cán bộ, chiến sỹ ta từ những vấn đề rộng lớn của chiến tranh và xây dựng vũ trang nhân dân, đến từng việc làm, cách ứng xử cụ thể trong chiến đấu và trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Còn cán bộ, chiến sỹ ta – những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng là những người đã từng được gặp gỡ và tiếp xúc cùng Bác cũng luôn thể hiện những tình cảm chân thành, lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Để kịp thời động viên, cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho quân ta vượt qua khó khăn và đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ ngay từ trận mở đầu, ngày 11/3/1954, nghĩa là trước khi quân ta nổ súng tiến công trung tâm đề kháng Him Lam 2 ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các chiến sỹ Mặt trận Điện Biên Phủ.

Người căn dặn: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.”

Và, ngay sau khi quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam và đập tan đợt phản kích của địch hòng chiếm lại Him Lam, ngày 15/3/1954, Bác Hồ lại gửi điện khen ngợi, cổ vũ và căn dặn toàn thể cán bộ và chiến sỹ ở Mặt trận Điện Biên Phủ: “Bác và Trung ương Đảng được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và Trung ương Đảng có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan, khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này.”

Trong suốt thời gian diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ (từ 13/3 đến 7/5/1954) Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao không chỉ trên chiến trường Điện Biên Phủ mà trên khắp các mặt trận nhằm phục vụ cho thắng lợi Điện Biên Phủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn cho chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ từ việc hoạch định đường lối cứu nước chung đến việc chỉ đạo từng trận đánh, từng chiến dịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: TTXVN).

Người đã truyền cho quân và dân ta sức mạnh phi thường của tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” – một niềm tin sắt đá, một ý chí “quyết chiến thắng” vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm để giành thắng lợi hoàn toàn.

Khi quân ta toàn thắng, Bác đã điện khen ngay và quyết định tặng huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ ” cho các đồng chí tham gia chiến dịch lịch sử này.

Trong các bức thư và điện gửi cán bộ và chiến sỹ ở Mặt trận Điện Biên Phủ, Người xác định rõ: “Điện Biên Phủ là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng.” Người rất vui lòng vì những thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật, vì bộ đội ta đã anh dũng chiến đấu tiêu diệt nhiều địch ngoài mặt trận.

Người động viên bộ đội “Phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh.” Và như thường lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng “chờ tin thắng lợi để khen thưởng.”

Theo dõi Điện Biên Phủ, nắm tin tức từng ngày, từng giờ, Hồ Chí Minh đã đem tới cho cán bộ và chiến sỹ ngoài mặt trận một sức mạnh lớn lao và niềm tin vào thắng lợi, niềm tin bắt nguồn từ chính Người và lòng tin con người, những cán bộ chiến sỹ ngoài mặt trận: dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc, đồng bào vùng địch tạm chiếm…

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. (Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Người tin ở sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Mặt trận. Người có niềm tin tất thắng vì cuộc chiến đấu của chúng ta là một cuộc chiến tranh chính nghĩa để bảo vệ nhân phẩm con người, vì nền độc lập, tự do, hoà bình của nhân loại.

Phấn khởi trước sự động viên, cổ vũ của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ngày 30/3/1954, quân ta bước vào đợt tiến công thứ hai của chiến dịch Điện Biên Phủ, một đợt tiến công kéo dài và ác liệt. Biết bao nhiêu khó khăn, trở ngại lớn mà quân và dân ta đã gặp phải trong đợt này.

Để khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến, Bộ Chính trị và Bác Hồ kịp thời ra Nghị quyết, chỉ rõ: “Toàn dân, toàn Đảng, và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này.”

Được sự chỉ đạo sát sao và được sự giáo dục, động viên, cổ vũ kịp thời của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ sau 56 ngày chiến đấu liên tục đánh thắng hoàn toàn thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ.

Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho quân đội ta tung bay hiên ngang trên nóc hầm sở chỉ huy của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.

Hết sức phấn khởi trước thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta, ngày 8/5/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc – những người trực tiếp làm nên chiến thắng vĩ đại này.

Trong thư, Bác viết: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sỹ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn, nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn, Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sỹ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt.”

10 năm sau, tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (3/1964), Bác Hồ đã nói: “… Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Marx-Lenin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công…”

Việt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ – nhân loại tiến bộ đã từng hô vang như vậy. Sợi dây bền chặt liên kết Việt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ là tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” – tư tưởng giải phóng con người, lòng tin vào con người và một niềm tin tất thắng không có gì phá vỡ nổi.

Hồ Chí Minh là linh hồn của chiến dịch Điện Biên Phủ. Tư tưởng “Tướng quân tại ngoại và đánh chắc thắng” là hành trang của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nơi chiến trường, đem lại một niềm tin-sức mạnh, nguồn cổ vũ lớn lao, là bó đuốc soi đường đi tới thắng lợi trọn vẹn, vẻ vang.

Ngày 21/7/1954, Hiệp định đình chiến ở Đông Dương được ký kết tại Hội nghị Geneva (Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của một số nước họp từ 26/4 đến 21/7/1954 tại Geneva, Thụy Sĩ).

Để chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam, Hiệp định quy định: Cả hai bên tham chiến cùng thực hiện ngừng bắn tập kết chuyển quân và chuyển giao khu vực; lấy vĩ tuyến 17 (dọc sông Bến Hải) làm ranh giới giữa hai miền. Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời hoàn toàn không thể coi là ranh giới về chính trị và lãnh thổ.

Việt Nam sẽ thực hiện thống nhất bằng Tổng tuyển cử tự do trong cả nước tổ chức vào tháng 7/1956 dưới sự kiểm soát của một ủy ban quốc tế (gồm Ấn Độ, Ba Lan, Canada, do Ấn Độ làm Chủ tịch).

Hiệp định Geneva đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp có Mỹ giúp sức ở Việt Nam và Đông Dương. Công lao đó là của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trong đó công lao trước hết thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người không chỉ biết tập trung mọi nỗ lực để ngăn chặn chiến tranh khi nó chưa xảy ra mà cả khi chiến tranh đã bùng nổ, Người đã tài tình chỉ đạo, động viên, cổ vũ toàn quân và toàn dân ta ra sức chiến đấu để giành thắng lợi, Người vừa dàn xếp thương lượng vừa tích cực chuẩn bị kháng chiến.

Và để có một Hội nghị Geneva thắng lợi, Hồ Chí Minh đã cùng với nhân dân Việt Nam làm nên một Điện Biên Phủ có sức chấn động toàn thế giới.

Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và đã đi vào lịch sử thế giới.Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi chung của cả dân tộc ta, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân takết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954). Tuy nhiên, trong đó vẫn nổi lên vai trò lãnh đạo kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.Với tầm vóc lịch sử và ý nghĩa của thời đại Hồ Chí Minh thì của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn ngày càng tỏa sáng, giá trị lịch sử trường tồn cùng dân tộc Việt Nam khi một nước thuộc địa đã đánh bại cả một nước thực dân hùng mạnh. Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tổng Tư lệnh của chiến dịch.Tài thao lược quân sự của ông đã được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ.

Mặc dù xuất thân từ một thầy giáo dạy sử, chưa từng được kinh qua một trường lớp chính quy nào về quân sự nhưng với tài thao lược quân sự xuất chúng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được vinh dự Bác Hồ giao trọng trách Tổng tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ – chiến dịch then chốt, quyết định đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược ra khỏi Việt Nam. Với kinh nghiệm chỉ huy trải qua nhiều chiến dịch lớn như Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc…, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rõ trọng trách lớn lao mà Bộ Chính trị và cụ Hồ đã ủy thác qua lời dặn dò trước lúc lên đường: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại.Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.Phải là người có lòng tin và quyết tâm mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới dám nhận một sứ mệnh lịch sử cao cả như vậy.

Trong nhân cách nhân văn cao cả của Võ Nguyên Giáp luôn hội đủ tố chất của một vị tướng: Nhân, Trí, Dũng, Tín, Liêm, Trung. Ông là một con người “Dĩ công vi thượng”, luôn biết đề cao vai trò của tập thể, biết quy tụ nhân tâm, không chủ quan duy ý chí. Khi được giao là người chỉ huy cao nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp không hề đánh giá thấp sức mạnh của địch tại tập đoàn cứ điểm này.Đại tướng nhận thức sâu sắc rằng chỉ có đánh bại được hình thức phòng ngự chiến lược bằng tập đoàn cứ điểm của địch mới mở đường cho cuộc kháng chiến chống Pháp phát triển. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lúc bấy giờ đối với Tư lệnh Võ Nguyên Giáp không phải là vấn đề tiến công hay không tiến công, mà là đánh như thế nào để tiêu diệt được một mục tiêu chiến lược đã được Pháp tập trung xây dựng rất hùng mạnh.Trong chiến dịch Điện Biên Phủ và có lẽ trong suốt cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”là “quyết định khó khăn nhất” của Ông và đây được coi là sự kiện kịch tính nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp. Quyết định đó thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân; nhưng đồng thời cũng là biểu hiện của sự thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng;” thể hiện tính nhân văn của một vị tướng “dĩ công vi thượng,” luôn biết đề cao vai trò của tập thể, hết sức tôn trọng ý kiến của tập thể vì lợi ích chung.

Để biến quyết tâm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị thành hiện thực thắng lợi, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ Tư lệnh chiến dịch đặt ra và giải quyết thành công nhiều vấn đề ở tầm chiến lược, chiến dịch. Trước hết, đó là tìm mọi cách cô lập và giữ chân quân Pháp ở Điện Biên Phủ để đại quân ta tiêu diệt; loại bỏ cách đánh mạo hiểm, chọn cách đánh bảo đảm yếu tố chắc thắng; chỉ đạo giải quyết thành công vấn đề bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch dài ngày, lực lượng tham ia lớn và diễn ra trên một địa bàn khó khăn xa hậu phương; khắc phục được những tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, mở đường giành thắng lợi trọn vẹn cho chiến dịch.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điên Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN).

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, là một vị Đại tướng, Tư lệnh chiến dịch nhưng Võ Nguyên Giáp giống như người cha, người anh, người đồng chí thân thiết và gần gũi của bộ đội. Trước nhiều trận đánh lớn, bao giờ Ông cũng viết thư thăm hỏi, động viên bộ đội và dân công. Ngày Xuân trên chiến hào, những tình cảm chân tình của vị Tư lệnh chiến dịch đã tiếp thêm sức mạnh cho các mũi, các hướng sẵn sàng xung trận. Trong điều kiện khó khăn của mặt trận, song Võ Nguyên Giáp vẫn thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội trong điều kiện tối đa có thể; đặc biệt là hết mực thương yêu, quý trọng cấp dưới và biết trọng dụng những người có đức – tài.Dưới Ông, nhiều trí thức xuất thân từ các thành phần khác nhau đã có cơ hội cống hiến hết mình trong chiến dịch Điện Biên Phủ và không ít trong số đó về sau đã trở thành những vị tướng lĩnh tài ba của quân đội. Võ Nguyên Giáp là một con người luôn coi trọng dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể. Ông luôn biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của cấp dưới.Trước khi quyết bất cứ vấn đề hệ trọng nào Ông đều đưa ra thảo luận tập thể. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trước khi quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc” – một phương châm đã góp phần đưa Võ Nguyên Giáp lên hàng “thống soái quân sự cỡ lớn”, Ông đã trao đổi, xin ý kiến và kiên trì thuyết phục tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch, nhằm tạo sự đồng thuận, thống thất cao.

Võ Nguyên Giáp là một vị tướng thương yêu bộ đội hết mực cho dù người đó giữ cương vị to hay bé, quân hàm cao hay thấp và biết quý từng giọt máu của bộ đội. Là một nhà cầm quân là phải khát khao chiến thắng, song ở Ông không phải lúc nào cũng giành chiến thắng bằng mọi giá mà chiến thắng phải luôn đi kèm với giảm thiểu hy sinh xương máu của bộ đội một cách thấp nhất.Tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng thật khó diễn đạt hết, nhưng dễ dàng cảm nhận được. Sự chia sẻ, đồng cảm, lời tuyên dương, khích lệ và trân quý cống hiến, hy sinh của vị Tổng Tư lệnh Quân đội đã thúc đẩy tạo nên nguồn sức mạnh to lớn, ý chí quyết chiến quyết thắng vô song trong bộ đội và quần chúng. Việc quyết định thay đổi phương châm từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một ví dụ. Ở đây, vị Tư lệnh chiến dịch quyết định thay đổi phương châm tác chiến – một quyết định được Ông cho là khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình, thì ngoài yếu tố bảo đảm đánh chắc thắng còn là nhằm giảm thiểu tổn thất cho bộ đội. Võ Nguyên Giáp luôn quan niệm rằng quý trọng sinh mệnh của cán bộ và chiến sỹ, suy cho cùng cũng tức là quý trọng sinh mệnh của người dân.

Thấu triệt tinh thần “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của các bậc tiền nhân, Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng biết đánh thắng địch bằng quân sự, mà còn biết thắng địch bằng nhân nghĩa, “biết khoan dung đối với kẻ địch đã đầu hàng”. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đã từng một thời đứng bên kia chiến tuyến, từ những tướng lĩnh của Pháp đến những người lính Âu-Phi… đều dành cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp một sự kính trọng và khâm phục đặc biệt. Tư tưởng nhân nghĩa được kết tinh từ truyền thống nhân văn trong chống giặc ngoại xâm của cha ông trên tinh thần “không vì tư thù, tư oán” được Võ Nguyên Giáp kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc nói chung. Nó vừa là chiến lược, vừa là sách lược nhằm giành được thắng lợi mà không phải tiêu diệt đến tên địch cuối cùng.Chính điều đó đã đưa Võ Nguyên Giáp trở thành “một cây đại thụ rợp bóng nhân văn” như lời nhận xét của một nhà quân sự nổi tiếng thế giới.

Với một “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” đã đưa Võ Nguyên Giáp lên hàng danh tướng được lịch sử quân sự thế giới ghi nhận.Thế giới đánh giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là: Một chuyên gia hàng đầu về đường lối chiến tranh nhân dân của phong trào giải phóng dân tộc trong nước và trên thế giới; tư duy khoa học về xây dựng lực lượng quân sự rất độc đáo, sáng tạo và toàn diện; một vị tướng sắc sảo nhất về nghệ thuật khoét sâu chỗ yếu của địch; về tài thao lược và thế giới xem Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về chiến lược, chiến thuật quân sự…Đây cũng là minh chứng cho thế giới được thấy đất nước Việt Nam đã sản sinh ra một vị danh tướng nhân văn kiệt xuất Võ Nguyên Giáp.Hơn 65 năm đã đi qua, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi là một bản anh hùng ca tuyệt vời về tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng về trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam trong đấu tranh cách mạng.Thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố; trong đó, ý chí và quyết tâm giành độc lập dân tộc, tự do cho Tổ quốc đãđược Đảng và nhân dân ta nhân lên gấp bội, tạo thành sức mạnh cóý nghĩa quyết định.Nhân tố quyết định chiến thắng Điện Biên Phủ là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta và đặc biệt là vai trò, trí tuệ và bản lĩnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã đề ra đường lối chính trị, quân sự đúng đắn; phương pháp cách mạng khoa học, biết tạo thời cơ và tận dụng thời cơ để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.Có thể nói, nét đẹp cao quý tập trung nhất về nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tinh thần dĩ công vi thượng, khiêm tốn, sống giản dị, thanh cao, quyết đoán, dân chủ, bao dung, nhân hậu – một thiên tài quân sự. Với Đại tướng, Tổ quốc, Dân tộc vàĐảng là trên hết, không gì thiêng liêng và cao quý hơn.Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tỏ rõ là một vị tướng tài đức song toàn, có uy tín cao và tròn vẹn.

Phạm Khải

   
Bài liên quan
  • 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức mạnh Việt Nam
    Moitruong.net.vn – Điện Biên Phủ “một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó chỉ rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ ghi dấu ấn tốt đẹp và chiến công hiển hách trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, mà còn tác động mạnh mẽ đến an ninh, chính trị thế giới, trở thành điểm hẹn hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ